Xin Ông cho biết tình hình sốt xuất huyết diễn ra trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?
Tính đến ngày 03/3/2019, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 803 ca sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 01 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ 2018 tăng 173 ca, số ca mắc đến thời điểm hiện tại tăng 4,64 lần. Thành phố Vũng Tàu có số mắc cao nhất 351 ca chiếm (43,6%) so với toàn tỉnh, tiếp đến là Châu Đức 142 ca chiếm (17,6%), Côn Đảo 69 ca chiếm (8,6%), thị xã Phú Mỹ 81 ca, chiếm (10,0%), huyện Long Điền 72 ca, chiếm (8,96%), huyện Xuyên Mộc 52 ca, chiếm (6,47%), thành phố Bà Rịa 23 ca, chiếm (2.86%), huyện Đất Đỏ 14 ca, chiếm (1,74%).
Từ tuần 01 đến tuần 04 của năm 2019, số ca mắc tăng cao nguyên nhân có thể do đuôi dịch của năm 2018 kéo qua năm 2019. Từ tuần 5 đến tuần 8 năm 2019, số ca mắc đang có chiều hướng giảm, hàng tuần ghi nhận từ 40-50 ca.
Qua theo dõi diễn tiến của bệnh trong 3 năm gần nhất: Từ năm 2016 ghi nhận 3.793 ca và sau đó giảm dần trong năm 2017 là 2.200 ca và năm 2018 là 2.700 ca. Và với chu kỳ dịch diễn tiến 4 năm thì năm 2019 số ca mắc có thể tăng.
Bác sĩ Nguyễn Anh Quan, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đi kiểm tra công tác phòng dịch tại các ổ dịch
Các biện pháp phòng chống dịch đang được tăng cường ra sao, thưa ông?
Với diễn biến của dịch XSH, ngành Y tế tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch như sau:
Đầu tiên là các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ ca bệnh ở từng thôn, ấp, điều tra côn trùng ở các xã, phường có nguy cơ cao, phối hợp với UBND các phường, xã, các ban ngành, đoàn thể, xây dựng kế hoạch tổ chức diệt lăng quăng hàng tuần, nhằm giảm mật độ véc tơ truyền bệnh đến thấp nhất, làm hạn chế lây lan bệnh ra diện rộng.
Tăng cường xử lý ổ dịch sớm nhất và triệt để trong vòng 24h đầu từ khi ghi nhận ca bệnh, tích cực giám sát các vùng có nguy cơ cao, nếu nhận định xã, phường nào có thể bùng phát dịch sẽ phun hóa chất chủ động trên diện rộng.
Tăng cường tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng các biện pháp phát thanh trên loa truyền thanh của xã, phường; nhân viên Y tế thôn ấp tới từng hộ gia đình, kiểm tra lăng quăng và vận động người dân thu gom các vật phế thải có thể chứa nước và những dụng cụ có lăng quăng được súc rửa, nhằm hạn chế thấp nhất nơi sinh sản của muỗi.
Với tình hình diễn biến trong tháng 1 và tháng 2 năm 2019, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo:
TTYTDP tỉnh giám sát và theo dõi tình hình mắc XSH tại các địa phương: đối với các địa phương có số ca mắc cao như TP. Vũng Tàu, cần khẩn trương tham mưu chính quyền chỉ đạo phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong công tác xử lý ổ dịch, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng thường xuyên; đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống SXH, tổ chức phun hóa chất chủ động với các địa phương nguy cơ cao, không để dịch bùng phát lan rộng.
Trong công tác truyền thông: Tăng cường trong công tác truyền thông tại cơ sở điều trị và cộng đồng. Hình thức truyền thông đa dạng (tờ rơi, loa phát thanh, băng rôn…, nội dung dễ hiểu và phù hợp, tập trung các địa phương có số ca bệnh cao.
Trong công tác điều trị: Chuẩn bị đầy đủ thuốc và trang thiết bị phục vụ công tác điều trị bệnh SXH; tập huấn và nâng cao năng lực điều trị bệnh SXH cho đội ngũ y bác sĩ các tuyến để tư vấn và điều trị kịp thời các ca bệnh.
Bệnh viện Bà Rịa khám bệnh cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết
Những khuyến cáo của ngành Y tế đối với loại bệnh này như thế nào, thưa ông?
Trong công tác phòng chống dịch nói chung cũng như phòng chống SXH nói riêng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa truyền thông, dự phòng và điều trị, trong đó công tác truyền thông và dự phòng rất quan trọng. Với nhiệm vụ được giao cho TTYTDP tỉnh trong công tác phòng chống SXH chúng tôi đã triển khai những hoạt động sau:
- Điều tra, giám sát ca bệnh khi nhận thông tin phản hồi từ các tuyến; phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng.
- Các địa phương có nguy cơ cao, TTYTDP tỉnh phối hợp cùng các địa phương chủ động phun hóa chất diện rộng, không để dịch bùng phát.
- Tại các địa phương: Thường xuyên tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, dọn dẹp các vật dụng chứa nước không cần thiết.
Trong đó, Bộ Y tế đã đưa ra các khuyến cáo phòng chống bệnh SXH:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống bệnh SXH.
- Khi có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh SXH, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Xin cảm ơn ông!
PV thực hiện: Ninh Hồng