Vì sao Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải (tp. Vũng Tàu) bị công nhân đình công hai lần trong thời gian 3 tháng ? - Hình 1

 (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải)

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải (gọi tắt là Công ty Tứ Hải), có trụ sở tại số 78 đường Phước Thắng, phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh BR-VT, được thành lập năm 1995 với chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu là chế biến kinh doanh thủy sản, thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ucs, Hồng Kong, Trung Quốc, do ông Đào Quốc Tuấn làm giám đốc.

Thời gian gần đây, chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 10/2018 đến tháng 01/2019), hàng trăm công nhân công ty này đã 2 lần tổ chức đình công vì lý do chậm trả lương cho công nhân, cách thức chi trả lương không rõ ràng và vi phạm quyền lợi người lao động…

Cụ thể: tháng 10/2018, với lý do chưa có tiền để thanh toán lương cho công nhân, nên hàng trăm người lao động đã kéo tới văn phòng công ty yêu cầu ban giám đốc công ty trả lương cho công nhân. Tiếp đó ngày 17/01/2019 (dịp cận Tết), khoảng 200 công nhân làm việc tại Công ty Tứ Hải đã kéo tới khuôn viên và văn phòng công ty yêu cầu ban giám đốc thanh toán lương tháng 12  để người lao động có tiền về quê ăn Tết.

Theo phản ánh của công nhân, họ ngừng việc tập thể vì công ty đang nợ lương tháng 12/2018 chưa trả. Trước đó, ngày 16/01/2019, Công ty Tứ Hải có văn bản số 04/TB-TH, thông báo về việc thanh toán lương tháng 12/2018 cho công nhân, nội dung nêu: “…Hiện nay, do gặp trục trặc về việc khách hàng chưa thanh toán công nợ dẫn đến việc công ty chưa thể phát lương cho toàn thể cán bộ, công nhân, người lao động đúng ngày. Công ty Tứ Hải đang cố gắng để tìm biện pháp giải quyết, kịp thời chi trả tiền lương cho tất cả anh chị em công nhân trong thời gian từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 01 năm  2019. Đối với những trường hợp cấp thiết, công ty sẽ xem xét và hỗ trợ cho người lao động được ứng 30 đến 50% lương…”.

Do bức xúc vì lại bị chậm trả lương (lần thứ 2) trong khi năm hết, Tết đến đang cận kề, nên các công nhân công ty này đã ngừng việc tập thể, yêu cầu công ty giải thích thỏa đáng và thanh toán tiền lương để họ về quê ăn Tết. 

Đại diện cơ quan LĐLĐ TP. Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, LĐLĐ Tp.Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn phường 12 và Tp. Vũng Tàu làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp để nắm bắt tình hình. Công ty Tứ Hải giải thích, do tình hình kinh doanh đang gặp khó khăn (lô hàng xuất sang Nhật Bản chưa được thanh toán) nên công ty chậm trả lương cho người lao động và hứa sẽ trả lương cho người lao động vào chiều ngày 17/01. Tuy nhiên, tính đến 18 giờ cùng ngày, mới có hơn 50 công nhân được trả lương tháng 12/2018. Được biết, tại thời điểm xảy ra vụ việc, công ty Tứ Hải có tổng cộng 255 công nhân thì có 209 công nhân chưa được trả lương tháng 12/2018 với tổng số tiền nợ là: 1.106.700.000đ.

Phản ánh sự việc này với chúng tôi, một số công nhân của Công ty Tứ Hải cho biết: “Với hơn 250 công nhân trong công ty, đa phần là dân từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng…, lên thuê ở nhà trọ của chính ông chủ Đào Quốc Tuấn, sát bên hông công ty. Công ty Tứ Hải trả lương rất thấp, lương mỗi người hơn 03 triệu đồng/tháng, thuê phòng trọ của ông Tuấn đã mất 600.000đ/tháng, trừ chi phí sinh hoạt tiền điện, nước cũng gần hết, đó là tiết kiệm lắm mới đủ sống qua ngày, vậy mà còn nợ lương thì chúng tôi sống sao nổi?!  Chúng tôi làm ở đây đã được 4 năm nhưng không được đóng bất cứ loại bảo hiểm gì… “

Một gia đình công nhân sống trong khu nhà trọ cho biết: “Mỗi tháng người lớn làm việc cật lực ở đây thì được khoảng 06 triệu đồng, trẻ em lao động chỉ được trả chưa tới 02 triệu đồng/tháng. Hàng ngày, chúng tôi phải đi làm từ 5 giờ sáng đến 19 giờ tối mới về. Chúng tôi biết việc công ty không đóng bảo hiểm cho chúng tôi là rất thiệt thòi cho người lao động nhưng biết kêu ai bây giờ?!

Một công nhân khác bức xúc nói: “Công ty Tứ Hải luôn chậm phát lương cho công nhân. Ví dụ ngày 25 hàng tháng là khóa sổ nhưng qua ngày 10 tháng sau mới phát lương. Thu nhập thấp, gia đình tôi thường xuyên phải đi mua thiếu nợ lương thực, đồ ăn, gạo, mắm muối, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày… Khi có lương mới thanh toán dần các khoản thiếu nợ, coi như tháng này bù tháng kia là vừa hết. Vậy mà nợ lương, làm sao sống?!

 Một số công nhân của công ty phản ánh, ông Tuấn (giám đốc) còn có hành vi không đúng với công nhân tên Khang, đuổi việc chị Lê Thị Nga mà không có lý do chính đáng. Ngày 29 Tết, mới phát tiền lương tháng 01/2019 (?!) nên nhiều người không kịp đón xe về quê ăn Tết nên rất bức xúc. Chúng tôi hầu hết là lao động phổ thông, không có học nên mặc dù bị đối xử tệ cũng không biết phải làm gì…”.

Các công nhân phản ánh, việc công ty xét cấp tiền thưởng cho công nhân không có căn cứ rõ ràng. Việc trả công lao động hàng ngày cũng tùy hứng, không theo số lượng sản phẩm, không căn cứ theo chủng loại nguyên liệu cá làm ra. Công nhân chỉ biết nhận tiền lương sau khi bị trừ các khoản phí công đoàn, tiền thuê nhà, mà không hề biết tiền lương đó do họ xẻ bao nhiêu kg cá trong tháng đó…?!”.

Được biết, sản phẩm xuất khẩu chính của Công ty Tứ Hải là: Cá đục xẻ, mực nút, bạch tuộc, cá đục khô, xương cá đục khô... với doanh thu mỗi năm hàng chục triệu USD (đô la Mỹ).

 Làm việc với phóng viên, ông Đào Quốc Tuấn thừa nhận: “Tính tôi rất nóng. Tôi đã giải thích cho các công nhân là do hiện nay công ty chưa có tiền. Nguyên nhân chính là do Chi Cục thuế thành phố Vũng Tàu ngày 09/01/2019 có các quyết định số: 335, 336, 337 về việc cưỡng chế thi hành án quyết định hành chính thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/01/2019 đến ngày 14/2/2019”. Lý do bị cưỡng chế là: “Đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền chậm nộp quá hạn 90 ngày (?!) ”

Trước đó ngày 10/10/2018, Chi Cục thuế thành phố Vũng Tàu cũng có các Quyết định số: 9542, 9543, 9544, 9545 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 16/10/2018 đến ngày 15/11/2018, cũng cùng lý do bị cưỡng chế vì: “Đơn vị nợ tiền thuê đất, tiền chậm nộp quá hạn 90 ngày”. Việc Cục thuế thành phố Vũng Tàu phong tỏa tài khoản của ông, ông cho biết đã có văn bản gửi Tổng Cục thuế và ông Bí thư Tỉnh ủy để xử lý cơ quan này…(?!)

Điều đáng nói ở đây là nhiều lần phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận liên hệ làm việc với ông Tuấn, nhưng  ông Tuấn tìm cách né tránh, hẹn lần hẹn nữa và khi tiếp xúc với phóng viên cũng như một số cán bộ thực thi nhiệm vụ, ông Tuấn thường lấy lãnh đạo cấp trên ra hù dọa người này, hù dọa người kia. Ông Tuấn tuyên bố: “Sẽ xử lý hết, những ai chống đối ông, sẽ tuyên chiến với cơ quan ngôn luận, kể cả Cục Thuế Tp.Vũng Tàu, Liên đoàn Lao động thành phố Vũng Tàu và Báo Bà Rịa-Vũng Tàu... biết sai mà không chịu sửa (?!).

Việc ai sai ở đây phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh cụ thể. Thế nhưng việc các công nhân công ty này yêu cầu được thanh toán lương đúng hẹn để họ về quê ăn Tết hoàn toàn là yêu cầu chính đáng cho dù bất cứ lý do nào mà ông Tuấn đưa ra.

Tuy nhiên, đằng sau vụ việc này có rất nhiều câu hỏi đang đặt ra với Công ty Tứ Hải là hiện tại Công ty Tứ Hải đang sử dụng bao nhiêu lao động? Trong đó có bao nhiêu lao động không được đóng BHXH? Đến nay, công ty này có còn nợ lương công nhân không? Nợ bao nhiêu người và số tiền phải thanh toán là bao nhiêu? Công ty Tứ Hải hiện sử dụng bao nhiêu lao động trẻ em dưới 15 tuổi, số trẻ này có hợp đồng lao động không và thời gian lao động mấy tiếng một ngày, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động đối với trẻ vị thành niên này ra sao?

Vì sao Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải (tp. Vũng Tàu) bị công nhân đình công hai lần trong thời gian 3 tháng ? - Hình 2

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải

Hồng Ninh