THCL Ba mốc lớn đánh dấu mức độ hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới gồm: Ký Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ (BTA) tháng 7/2000, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tháng 11/2006 và hiện đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài việc giúp tăng trưởng kinh tế, “ba dấu mốc” trên còn đem đến cho Việt Nam một bước tiến dài trong cải cách thể chế, minh bạch hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Cuộc họp Cấp cao của các nhà lãnh đạo Hiệp định TPP lần thứ 6
Xuất khẩu tăng trưởng cao
Trước thời điểm trở thành thành viên của ASEAN vào năm 1995, Việt Nam được gắn với hình ảnh một đất nước nhỏ bé, kiên cường trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, chứ ít ai nhắc đến tiềm lực hay thế mạnh kinh tế. BTA với Hoa Kỳ giống như một bản tuyên ngôn với cộng đồng quốc tế, ngoài ý nghĩa bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, nền kinh tế Việt Nam chính thức mở cửa với cường quốc số 1 thế giới.
Với BTA, Việt Nam lần đầu tiên được biết đến các khái niệm mở cửa thị trường, cam kết về đầu tư, nguyên tắc đãi ngộ quốc gia, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ trong nước và nước ngoài.
Nhớ lại thời điểm vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào tháng 9/1996, nguyên Trưởng đoàn đàm phán BTA Việt Nam Nguyễn Đình Lương cho biết: “Sau lưng” đoàn đàm phán lúc bấy giờ là con số 0, Việt Nam không phải nền kinh tế mạnh, lực lượng doanh nghiệp hùng hậu và chúng ta hiểu biết về Hoa Kỳ quá ít… trong khi họ mạnh và giỏi hơn ta rất nhiều.
Khi ký BTA, tôi là phóng viên theo dõi lĩnh vực viễn thông và vẫn còn nhớ báo chí tốn không biết bao giấy mực tranh luận về việc nên mở cửa thị trường viễn thông đến mức nào cho phía bạn, hay có nên cho phép ngân hàng được mở chi nhánh hoặc thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam hay không… Đây là những vấn đề hết sức mới và nhạy cảm lúc bấy giờ.
Vậy mà, sau khi BTA ký kết, Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng gấp đôi, từ 1,51 tỷ USD năm 2001 lên 2,89 tỷ USD vào năm sau. Năm 2014, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa hai nước đạt 36,3 tỷ USD, gấp 24 lần so với năm 2001- năm Việt Nam vươn lên vị trí số 1 trong 10 nước ASEAN và nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Một điểm đặc biệt nữa, Việt Nam luôn là nước xuất siêu vào thị trường này, năm 2002 đạt 2,45 tỷ USD; năm 2005: 5,93 tỷ USD; năm 2010: 14,24 tỷ USD; năm 2014: 30,6 tỷ USD và con số này của năm 2015 khoảng 39 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014.
Sau 6 năm thành công với BTA, Việt Nam tiếp tục vượt qua một ngưỡng cửa quan trọng khác, trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Sự kiện này tạo ra hiệu ứng mạnh trong thu hút đầu tư. Nếu như năm 2006, số vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD thì chỉ ngay năm sau (2007) con số này đã đạt 21,3 tỷ USD và tới 2008 tăng vọt lên 64 tỷ USD. Xuất khẩu tăng trung bình 20%/năm, diện mạo lĩnh vực dịch vụ phân phối, bán lẻ đã thay đổi mạnh mẽ. Sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại, siêu thị, trung tâm thương mại làm thay đổi thói quen người tiêu dùng theo hướng văn minh.
Trong các nguyên tắc của WTO, nguyên tắc “không phân biệt đối xử” được đánh giá đạt mức độ cao nhất trong thỏa thuận thương mại, áp dụng tự do hóa hoàn toàn, bình đẳng giữa sản phẩm nước ngoài và sản phẩm nội địa.
TPP là một bước tiến mới, quy định điều khoản liên quan đến rất nhiều lĩnh vực chưa từng đề cập trước đây như: Mua sắm Chính phủ, lao động, môi trường… Theo Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, TTP sẽ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Theo tính toán, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.
“Lãi lớn” về thể chế
Nếu ví việc đàm phán thương mại với đối tác giống như đi “buôn chuyến” với những thỏa thuận kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” thì “lãi” nhất, ngoài mục tiêu tăng trưởng kinh tế chính là sức ép buộc toàn bộ nền kinh tế phải thay đổi để thích nghi với “cuộc chơi” toàn cầu. Đó là cải cách thể chế, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của toàn nền kinh tế.
Sau BTA, hàng loạt bộ luật được ban hành và sửa đổi như: Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Luật Thương mại đã được viết lại với việc xác định rõ quyền tự do kinh doanh của thương nhân… điều mà trước đây chưa từng có.
Với WTO, các luật lệ, quy định đã minh bạch hơn. Theo đó, tất cả các luật và quyết định hành chính áp dụng chung cần phải công khai cho công chúng trước khi có hiệu lực. Do vậy, những quy định vướng phải phản ứng của xã hội kiểu “ngực lép không được lái xe”… đã bị bãi bỏ. Hoặc trong WTO không có khái niệm hạn ngạch, không có giấy phép mang tính chất hạn chế số lượng nhập khẩu, thời chưa có WTO nó được gọi là “thứ giấy phép kinh hoàng nhất” đối với doanh nghiệp. Trước đây, để được xuất nhập khẩu, doanh nghiệp phải xin Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu. Nay, bất kể doanh nghiệp nào muốn xuất nhập khẩu chỉ cần đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đăng ký giấy phép kinh doanh.
Theo tổng kết, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã sửa và xây dựng mới được 86 luật, minh bạch hóa, tạo điều kiện phát triển nền kinh tế phù hợp với các nguyên tắc của WTO.
TPP là hiệp định thế hệ mới, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn rất cao về minh bạch hóa, chống tham nhũng, cũng như tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp… “Đó là sức ép rất lớn đối với bộ máy quản lý hành chính, buộc phải vượt qua bằng được, khi đi vào thực thi các cam kết” – Ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương