Bài 2: Thương hiệu Licogi hoạt động như thế nào và câu chuyện các dự án

Tại kết luận thanh tra số 1229/KL-TTCP ngày 30/05/2023 về “việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thuộc Bộ Xây dựng giai đoạn 2011-2018”, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt các vi phạm trong quá trình cổ phần hóa các tổng công ty Nhà nước, điển hình là vi phạm về tài chính, chưa xác định đầy đủ giá trị doanh nghiệp, bỏ quên cả nghìn tỷ đồng trong quá trình bán vốn Nhà nước; vi phạm trong quản lý đất đai tại các tổng công ty Nhà nước ngành xây dựng. Theo kết luận thanh tra, trong xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 10 tổng công ty (công ty mẹ) thuộc Bộ Xây dựng có những khuyết điểm, vi phạm về tài chính với tổng số tiền tạm tính khoảng 5.690 tỷ đồng.

Thương hiệu Licogi tính chưa đúng giá trị doanh nghiệp tại dự án "đắp chiếu"?

Kết luận thanh tra về cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng đã ban hành, của Thanh tra Chính phủ thể hiện: Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, Tổng Công ty Licogi (Licogi), Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã xác định giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội của doanh nghiệp chưa đầy đủ, chính xác với tổng số tiền tạm tính là 1.879 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, Tổng Công ty Licogi chưa xác định chính xác chi phí cơ hội đối với quyền phát triển án Khu đô thị mới Thịnh Liệt trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Tại thời điểm thanh tra (năm 2019), dự án đang trong giai đoạn thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt được UBND TP. Hà Nội có quyết định giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu vào 12/2003 và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản vào 04/2005.

Cổng vào dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt trên đường Tân Mai (quận Hoàng Mai).
Cổng vào dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt trên đường Tân Mai, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Ngày 25/09/2014, Tổng Công ty Licogi đang là doanh nghiệp Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc hợp tác kinh phí xây dựng Khu đô thị mới Thịnh Liệt với Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông. Hợp đồng nguyên tắc trên đã xác định và thống nhất về tổng giá trị chi phí cơ hội được tính trên tổng diện tích đất được phép kinh doanh của toàn dự án và không thấp hơn số tiền 348,8 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông đã chuyển cho Tổng Công ty Licogi 60 tỷ đồng để đặt cọc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng và văn bản của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phương pháp tính và thuê tư vấn thực hiện, ngày 27/06/2019, Tổng Công ty Licogi ký hợp đồng với Công ty cổ phần thẩm định giá và đầu tư VIC (VIC) để xác định lại giá trị chi phí cơ hội đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt tại 2 thời điểm.

Kết quả thẩm định đều có giá trị thấp hơn so với giá trị hợp đồng đã ký giữa Tổng Công ty Licogi và Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông. Trách nhiệm của Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông, tương đương với 45% tỷ lệ hợp tác kinh doanh, tổng số tiền phải nộp là 156,9 tỷ đồng (số đã tạm ứng chuyển Tổng công ty là 60 tỷ đồng, số còn phải nộp là 96,9 triệu đồng); phần trách nhiệm của Tổng Công ty Licogi tương đương với 55% tỷ lệ hợp tác kinh doanh, số tiền phải nộp là 191,8 tỷ đồng.

Tổng Công ty Licogi - CTCP có trách nhiệm thực hiện thu nộp số tiền 348,8 tỷ đồng vào Ngân sách theo quy định.

Vậy phần chưa đầy đủ, chính xác với tổng số tiền tạm tính là 1.879 tỷ đồng; 348,8 tỷ đồng vào Ngân sách theo quy định; số tiền phải nộp là 191,8 tỷ đồng... đã được thương hiệu Licogi nộp vào ngân sách chưa? Được xử lý như thế nào? Hiện nay ở đâu... đang là vấn đề mà khách hàng của Licogi quan tâm.

Vậy, thương hiệu Licogi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư ra sao?

Theo tìm hiểu của Thương hiệu & Công luận, trong những năm gần đây, Tổng Công ty LICOGI – CTCP (LIC) ghi nhận tốc độ tăng trưởng “suy yếu”, đầu tư tài chính kém hiệu quả. Kể từ khi Licogi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (13/04/2015) thì lỗ lũy kế liên tục tăng, chưa thể thu hồi lại được. Thậm chí có những năm lưu chuyển tiền thuần trong năm âm tới 215,2 tỷ đồng (năm 2022), lỗ lũy kế có năm âm hơn 600 tỷ đồng.

Dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) đã Kiểm toán năm 2022 cho thấy, Licogi đạt 1.988 tỷ đồng doanh thu thuần - ngang bằng so với năm 2021. Lãi gộp đạt 200,5 tỷ đồng. Trong năm 2022, Licogi đạt hơn 274,5 tỷ đồng doanh thu tài chính. Kéo theo đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng theo. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 16,7% đạt mức 55,2 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 8,4% đạt mức 160 tỷ đồng so với năm 2021. Với kết quả đạt được, trong năm 2022, Licogi có lợi nhuận sau thuế ở mức 44,2 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2021.

Nguồn: BCTC Kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty LICOGI.
Nguồn: BCTC Kiểm toán năm 2022 của Tổng Công ty LICOGI.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Licogi đạt 4.158 tỷ đồng, giảm 8,5% so với năm 2021. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Licogi là tài sản dở dang dài hạn ở mức 1.142 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của Licogi ở mức 1.958 tỷ đồng, trong đó, chiếm 2,23 lần là các khoản phải thu ngắn hạn (876,6 tỷ đồng), tiếp đến là hàng tồn kho đạt 780 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền giảm mạnh đạt 81,3 tỷ đồng (năm 2021 đạt 296,5 tỷ đồng).

Đáng chú ý, kể từ khi Licogi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (2015) thì tổng tài sản luôn ở ngưỡng 4.150-4.600 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm dần kể từ 2015 (đạt 4.686 tỷ đồng) đến cuối tháng 9/2023 (đạt 4.228 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, kết thúc năm 2022, vốn chủ sở hữu của Licogi ở mức 445 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 3.713 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (3.241 tỷ đồng).

Cần nói thêm rằng, từ 2015 trở lại đây, vốn chủ sở hữu của Licogi liên tục suy giảm. Cụ thể cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Licogi là 1.054 tỷ đồng thì năm 2016 giảm xuống còn 546 tỷ đồng. Kể từ 2017 đến tháng 09/2023, vốn chủ sở hữu của Licogi luôn ở ngưỡng hơn 400 - 480 tỷ đồng.

Năm 2017 và 2018, vốn chủ sở hữu của Licogi đạt 436 tỷ đồng và 479 tỷ đồng. Đến năm 2019, vốn chủ sở hữu của Licogi giảm xuống còn 392 tỷ đồng. Năm 2020, 2021 và 2022 vốn chủ sở hữu của Licogi lần lượt là 404 tỷ đồng, 475 tỷ đồng và 445 tỷ đồng. Đến tháng 09/2023, vốn chủ sở hữu Licogi dừng lại ở mức 405 tỷ đồng.

Từ năm 2015 trở lại đây, vốn chủ sở hữu của Licogi liên tục suy giảm (Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).
Từ năm 2015 trở lại đây, vốn chủ sở hữu của Licogi liên tục suy giảm (Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).

Điều quan tâm là hiệu quả kinh doanh của Licogi thấp, đi lùi sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2015. Theo đó, năm cuối 2015 doanh thu thuần của Licogi đạt 3.109 tỷ đồng. Năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 2020 thì Licogi có doanh thu lần lượt là: 2.899 tỷ đồng, 2.606 tỷ đồng, 2.600 tỷ đồng, 2.305 tỷ đồng và 2.188 tỷ đồng. Con số giật lùi hơn khi bước sang năm 2021 và 2022, Licogi có doanh thu đều đạt 1.988 tỷ đồng. Và tại thời điểm 30/09/2023, doanh thu thuần của Licogi dừng lại ở mức 445,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lợi nhuận sau thuế giảm sút, thậm chí có những năm còn lỗ hơn -436,6 tỷ đồng (năm 2016).

Hiệu quả kinh doanh của Licogi cực thấp, đi lùi sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2015 (Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).
Hiệu quả kinh doanh của Licogi cực thấp, đi lùi sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2015 (Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).

Không chỉ có kết quả sinh lời thấp, BCTC năm 2022 của Licogi cũng ghi nhận hơn 774 tỷ đồng khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 09/2023, khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn đã tăng lên đạt 863 tỷ đồng, tăng 11,4% so với thời điểm cuối năm 2022. Trong đó, hơn 104 tỷ đồng của Công ty cổ phần Vinhomes; hơn 30 tỷ đồng của Công ty CP An Gia Tiến; Hơn 28,8 tỷ đồng của CTCP Đầu tư xây dựng Thái Sơn; Hơn 21,2 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Xây dựng số 8; Hơn 19,3 tỷ đồng của CTCP Thủy điện Đăk Đrinh; Hơn 15,6 tỷ đồng của CTCP Thực phầm Miền Bắc; Hơn 14,5 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và xây dựng 578;… Ngoài ra, đơn vị này còn hơn 609,7 tỷ đồng các khoản phải thu khách hàng khác.

Bên cạnh đó, Licogi có hơn 381 tỷ đồng khoản phải thu khác, bao gồm: Ban Quản lý dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (55,9 tỷ đồng), CTCP Cơ giới và Xây lắp số 9.1 (17,2 tỷ đồng), phải thu khác từ Cometco chuyển về Licogi 2 (25,4 tỷ đồng),…

Ngoài ra, Licogi có hơn 845,7 tỷ đồng hàng tồn kho, dự phòng với số tiền là 19,6 tỷ đồng. Theo thuyết minh, Tổng Công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho một số vật tư ứ đọng, kém, mất phẩm chất, không có khả năng tiêu thụ, một số công trình quyết toán giảm giá với giá trị là hơn 19,6 tỷ đồng tại ngày 30/09/2023.

Nguồn: BCTC Hợp nhất quý III/2023 của Tổng Công ty LICOGI – CTCP.
Nguồn: BCTC Hợp nhất quý III/2023 của Tổng Công ty LICOGI – CTCP.

Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ năm 2017 khi chính thức giao dịch trên thị trường UPCOM, Licogi có hơn 06 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, 06 năm qua, mức lợi nhuận của Licogi có sự chuyển biến đáng chú ý là thua lỗ, âm nhiều tỷ đồng. Cụ thể, năm 2022, mức lợi nhuận sau thuế của đơn vị này ghi nhận 44,2 tỷ đồng. Năm 2021, Licogi có lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng và năm 2020 đạt 23 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trước đó, năm 2015, Licogi có mức lợi nhuận sau thuế đạt 68 tỷ đồng. Năm 2016 và 2017, lợi nhuận sau thuế của Licogi ghi nhận âm lần lượt -436 tỷ đồng và -71 tỷ đồng. Năm 2018, mức lợi nhuận sau thuế của đơn vị này đạt 46,5 tỷ đồng và -64 tỷ đồng vào năm 2019.

(Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).
(Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).

Đáng chú ý, Licogi gánh lỗ lũy kế nhiều năm qua ngày càng “phình to” vẫn chưa thể bù đắp được. Theo đó, năm 2015 – năm mà công ty đã hoàn thành việc thu tiền bán đấu giá cổ phần ra công chúng, Licogi gánh lỗ lũy kế -20,8 tỷ đồng và -44,3 tỷ đồng năm 2016. Năm 2017, cũng là năm lên sàn UPCOM với mã chứng khoán LIC nhưng con số lũy kế lại tăng lên gấp 10,5 lần ghi nhận -467,3 tỷ đồng. Kể từ 2017 đến tháng 09/2023 con số lỗ lũy kế ngày một nhích lên, có năm lỗ lũy kế còn đạt 616 tỷ đồng (năm 2021).

(Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).
(Nguồn: BCTC của Tổng Công ty LICOGI).

Giá cổ phiếu LIC cũng không có sự biến động quá lớn. Đơn cử, trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu của LIC ghi nhận ở mức 15,900 đồng/CP.

Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ Báo cáo tài chính bán niên năm 2022

Báo cáo tài chính Kiểm toán năm 2022 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế, trong đó, đơn vị kiểm toán đã đưa ra cơ sở cho ý kiến ngoại trừ.

Đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, tính đến thời điểm 01/01/2022, Licogi đã thực hiện vốn hóa lãi vay vào khoản mục “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” của dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với tổng giá trị lũy kế 393,1 tỷ đồng. Trong năm 2022, Licogi tiếp tục thực hiện vốn hóa lãi vay vào “chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn” là 2,1 tỷ đồng. Theo đó, tổng giá trị chi phí lãi vay đã được vốn hóa lũy kế đến 31/12/2022 là 395,2 tỷ đồng. Vì dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt kéo dài nên Kiểm toán không thể thu thập được các thông tin cần thiết để xác định chi phí lãi vay vốn hóa vào dự án này theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - chi phí đi vay.

Đối với các khoản công nợ phải thu và dự phòng phải thu khó đòi, kiểm toán cho biết tại thời điểm 01/01/2022 và 31/12/2022, các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản phải thu mà kiểm toán viên không đánh giá được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ cũng như đánh giá tổn thất của các khoản nợ phải thu này. Trong đó, phải thu tại CTCP Licogi 15 là 89,2 tỷ đồng và 79,5 tỷ đồng; CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi 10,5 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng; CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 là 81,3 tỷ đồng và 89,9 tỷ đồng; và CTCP Licogi 10 là 23,2 tỷ đồng và 34,6 tỷ đồng.

Đối với các khoản công nợ phải trả, tại ngày 01/01/2022 và 31/12/2022, tại các công ty con của Licogi đang ghi nhận một số khoản nợ phải trả, nhưng kiểm toán không thể thu thập được các tài liệu cần thiết để xác định được quyền và nghĩa vụ, tính hiện hữu, chính xác và đầy đủ của các khoản nợ phải trả này.

Trong đó, các khoản công nợ phải trả chủ yếu 109,56 tỷ đồng và 106,66 tỷ đồng tại CTCP Licogi 15; 9,8 tỷ đồng và 21,3 tỷ đồng tại CTCP Lắp máy Điện nước – Licogi; 182,4 tỷ đồng và 85,4 tỷ đồng tại CTCP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20; và 42,8 tỷ đồng và 63,4 tỷ đồng tại CTCP Licogi 10.

Ngoài ra kiểm toán nhấn mạnh: “Tại thời điểm 31/12/2022, lỗ lũy kế của Licogi là 562,29 tỷ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền là 1.282,98 tỷ đồng. Do đó, khả năng hoạt động liên tục của Licogi sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác … Những điều kiện này cùng những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại yếu tố không chắc chắn trong yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Licogi".

Còn nữa...

Minh An