BHXH Việt Nam cho biết, đến nay cơ quan này đã tích hợp 100% dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của ngành, tích hợp và cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã tích hợp, cung cấp các dịch vụ dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, bao gồm: cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất; chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; thay đổi hình thức lĩnh hoặc thông tin người hưởng chế độBHXH; đăng ký tài khoản cho con; cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin; cấp lại sổ BHXH do thay đổi thông tin; ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.
Để đảm bảo tiến độ triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số Chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ số Căn cước công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của BHXH.
Đến ngày 20/06, 2 đơn vị đã hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 45 triệu người tham gia, toàn quốc đã có 6.244 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Song song đó, BHXH Việt Nam cũng tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Tin học hóa thuộc Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTB&XH, Bộ TN&MT.
Hà Trần