Trong nước, nhiều địa phương trọng điểm trồng Bưởi da xanh của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện cả doanh nghiệp lẫn nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ. Tại Bến Tre - địa phương có diện tích canh tác bưởi da xanh đến 8.000 ha, cũng như nhiều loại trái cây khác, có thời điểm giá bưởi da xanh liên tục sụt giảm, chỉ còn 15.000 đồng/kg.

Trái bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Bến Tre. Ảnh internet
Trái bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Bến Tre. Ảnh internet.

Nếu như doanh nghiệp chủ động về vùng nguyên liệu, đối tác tiêu thụ thì hợp tác xã phụ trách chất lượng và truy xuất sản phẩm. Ở Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, hơn 100 ha đã sẵn sàng, với sản lượng lên đến 65 tấn mỗi tháng.

Chị Ngô Tường Vy, chủ doanh nghiệp liên quan đến bưởi da xanh cho hay: "Thị trường Mỹ có thể nhập bưởi không phải chỉ bưởi da xanh, mà kể cả bưởi 5 roi quanh năm. Đó cũng là câu chuyện mà chúng ta xây dựng chuỗi liên kết, làm sao đủ chất lượng, sản lượng cung cấp vào thị trường lớn nhất thế giới".

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 03 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Đến nay, 6 loại trái cây tươi đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Thanh Long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào Mỹ tăng theo từng năm. Chôm chôm là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2011.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây với mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam.

Q.N (t/h)