Tổng cục Thống kê: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm, ước đạt 3,84%, tốc độ tăng GDP khoảng 3,82%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 24 tỷ USD, tăng 28% so cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại 3,14 tỷ USD. Đây là những con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh Việt Nam đang hứng chịu làn sóng thứ 3 và 4 của đại dịch Covid-19. Theo Cục trưởng, vì sao chúng ta làm được điều này?

2021, bước sang năm Covid-19 thứ 2, phải khẳng định rằng, chúng ta không còn lúng túng trước những diễn biến bất thường của thị trường trong bối cảnh đại dịch.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh xảy ra, nhưng chúng ta đã chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động, đã không còn hình thức giải cứu nông sản như trước mà chuyển thành kết nối nông - lâm - thủy sản để hỗ trợ trong bối cảnh đại dịch.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất quan tâm đến vấn đề “sản xuất theo tín hiêu thị trường”. Lãnh đạo Bộ chỉ đạo ngay từ khi gieo hạt giống, khi cây trái ra hoa đã hướng đến phương án tiêu thụ và xác định thị trường như thế nào, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà con nông dân và doanh nghiệp đều thông suốt các phương án đề ra.

Một trong những điểm thay đổi lớn đó là chúng ta đã quan tâm hơn đến chất lượng nông sản, không khuyến khích phát triển sản xuất theo số lượng. Tuy nhiên, các quy trình sản xuất hiện nay vẫn cho sản lượng không hề giảm, tăng nhẹ, chất lượng đã tăng, người tiêu dùng tin tưởng hơn vào sản phẩm trong nước.

Tiếp nữa là quan tâm đến kết nối tiêu thụ. Các địa phương, nhất là các tỉnh biên giới, đã cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra giữa cầu thảo luận phương án tiêu thụ nông sản để không ách tắc ngay trên cửa khẩu; huy động các tổ chức, đoàn thể cùng chính quyền thực hiện kết nối nông sản mà không phải giải cứu nông sản.

Một ví dụ điển hình là Bắc Giang - tâm dịch Covid-19 lần thứ 4, tính đến cuối tháng 6, là thời gian khi vải thiều đã qua nửa vụ, việc tiêu thụ xuất khẩu khá thuận lợi. Sản lượng tiêu thụ đạt gần 200.000 tấn (tương đương 95% tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang), kết quả này đạt 109% so kế hoạch.

Đáng chú ý, trong 2 tuần gần đây, 2 tấn vải thiều được nhập khẩu vào Pháp theo đường chính ngạch, vượt qua hàng rào kiểm dịch thực phẩm rất chặt chẽ.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh

2021là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang EU, theo mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới trên nền tảng của chính Việt Nam, do Việt Nam vận hành và phát triển. Đây có phải là một thay đổi lớn về mặt tư duy xuất khẩu nông sản trong nhiều năm qua?

Hồi tháng 5, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến. Trong cái rủi có cái may! Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hình thức giao thương, hình thức giao dịch tuyền thống và cả tư duy của những người làm quản lý.

Dịch bệnh khiến chúng ta gặp khó khăn trở ngại trong tiêu thụ nông sản theo đường truyền thống. Thay vào đó, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, không chỉ trong thương mại mà trong cả quản lý, giúp cho công việc diễn ra khá thuận lợi.

Hiện nay, từ Bắc – Trung - Nam, nhiều người sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ. Theo đà này, đảm bảo việc ứng dụng công nghệ trong nông thôn, thì xuất khẩu nông sản sẽ không kém gì các lĩnh vực khác.

Có thể nói rằng, chính sự điều hành sát sao của Chính phủ, cùng với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành, đã giúp ngành nông nghiệp vượt qua khó khăn. Chúng ta kiến tạo một chính phủ điện tử, đặt vấn đề số hóa, ứng dụng công nghệ như thế nào, các cấp, ngành chuyển động ra sao để thay đổi tư duy. Thời gian gần đây, việc cắt giảm giấy phép con - là một thành công rất lớn; việc khai báo điện tử, khai báo thuế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã… dần dần sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thì đó là tín hiệu rất đáng mừng, hứa hẹn sẽ thành công.

Từ nay đến cuối năm, cả nước có hơn 4 triệu tấn nông sản tìm đầu ra. Riêng tại miền Bắc, nhiều loại cây ăn trái sẽ bước vào vụ thu hoạch. Ước tính, sản lượng nhãn vào khoảng 300.000 tấn, xoài hơn 100.000 tấn, chuối hơn 1 triệu tấn... Thách thức phía trước vẫn là rất lớn. Chúng ta đã có dự phòng những giải pháp nào?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung phân tích sản lượng, xây dựng các kịch bản, tiếp tục đàm phán với các nước, nhất là Trung Quốc, để có sự thông quan suôn sẻ đối với hàng hóa xuất khẩu. Chúng ta cũng đang hướng đến thị trường trong nước, các nhà máy trong nước tăng công suất đẩy mạnh chế biến. Sẽ có những nhà máy chế biến, chỉ trong tháng 7, tháng 8 hoàn thành và triển khai.

Có thể, còn có những khó khăn, thách thức trong tiêu thụ nông sản. Song, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy, từ sản xuất, lựa chọn sản phẩm, theo hướng tăng chất lượng, tăng giá trị; hãy “cất đi” lối tư duy chạy theo sản lượng, diện tích, để không còn hiện tượng sản xuất ra không biết bán cho ai.

Đại dịch Covid-19, sẽ còn tác động lớn đến tiêu thụ nông sản, giao thông đình trệ, giá cước vận tải nông sản tăng cao, hàng rào kiểm soát ngặt nghèo hơn, khiến cho việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, nếu tích cực chủ động vào cuộc, thì nông sản Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra.

Cùng với đó, những tồn tại, bất cập lâu nay, ngành nông nghiệp không được trông chờ, ỷ lại, mà phải trên tinh thần “tiến công linh hoạt, sáng tạo” - để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể!

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Trúc Mai (Thực hiện)