Ảnh minh họa

Cụ thể, tại các bệnh viện dã chiến điều trị F0, cơ sở điều trị tạm thời (sau đây gọi là cơ sở y tế): Thực hiện phân loại, thu gom, xử lý tại chỗ chất thải rắn lây nhiễm theo Mục 4.1 Hướng dẫn kèm theo Công văn số 2415/STNMT-BVMT ngày 09/9/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trong đó, lưu ý: Không để lẫn chất thải sinh hoạt vào chất thải lây nhiễm làm phát sinh thêm lượng chất thải lây nhiễm, gây quá tải cho các cơ sở xử lý chất thải y tế; bao bì, dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm sử dụng phương pháp đốt để xử lý không làm bằng nhựa PVC (nguy cơ phát sinh dioxin trong quá trình đốt chất thải y tế); ưu tiên xử lý chất thải tại cơ sở y tế khi cơ sở có đủ điều kiện xử lý, xử lý ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế tại cơ sở y tế có lò đốt, đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Nếu cơ sở phát sinh chất thải lây nhiễm không có lò đốt chất thải y tế phải vận chuyển về các cụm xử lý tại các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện hoặc cơ sở xử lý chất thải y tế, chất thải nguy hại (được cơ quan chức năng cấp phép hoặc chấp nhận) tham gia vận chuyển, xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, việc thu gom, xử lý nước thải: Phân, nước tiểu, dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, đãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu…) của F0 phải được thu gom, xử lý bằng bồn cầu có hầm tự hoại của nhà vệ sinh; nước thải sau xử lý bằng hầm tự hoại và nước thải phát sinh từ các khu vực theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 (bao gồm cả khu vực rửa dụng cụ đựng chất thải, khu vực vệ sinh) phải được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Trường hợp bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị (tạm thời) xây dựng khẩn cấp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải trước khi thải ra môi trường phải được thu gom vào hệ thống 03 hố thu gom xây dựng nối tiếp theo phương pháp chảy tràn tự nhiên để lắng, khử khuẩn trước khi thải vào hệ thống nước mặt. Dung tịch mỗi hố phải phải trữ được lượng nước thải phát sinh trong 24 giờ.

Trường hợp không bố trí được quỹ đất xây dựng 03 hố thu gom như trên có thể bố trí sau hầm tự hoại 02 hố ga thu nước, trong đó có 01 hố châm cloramin B (25%) hoặc canxi hypochlorite 70% (hoặc một số hóa chất trong xử lý khử khuẩn) để khử khuẩn, hố còn lại để bay hơi clo trước khi thải ra môi trường.

Đối với trường hợp cách ly, theo dõi sức khỏe F0 tại nhà: Tất cả rác thải sinh hoạt của F0 được xem là rác thải lây nhiễm và được thu gom triệt để, xử lý đúng theo hướng dẫn; khuyến cáo người dân cần cân nhắc việc cung cấp các nhu yếu phẩm, thực phẩm nhằm hạn chế thấp nhất cho F0 phát sinh nhiều chất thải; không để chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 lẫn trong rác thải sinh hoạt; trong phòng F0 phải có thùng đựng chất thải rắn (rác) riêng và túi rác đi kèm, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy, mở bằng đạp chân, có lót túi để dựng chất thải, túi và thùng có dán nhãn “Chất thải F0 cách ly tại nhà”; chất thải phải được bỏ vào túi đựng chất thải, sau đó xịt cồn 70 độ (hoặc một số hóa chất trong xử lý khử khuẩn clorin, cloramin B...) để khử khuẩn và buộc chặt miệng túi, sau đó bỏ vào thùng đựng chất thải có lót túi, có nắp đậy kín đặt ở trong phòng của F0.

Về xử lý chất thải: Chất thải có thể chứa tối đa 03 ngày tại hộ dân cách ly theo điều kiện bảo quản như trên (đã phân loại, khử khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc một số hóa chất trong xử lý khử khuẩn clorin, cloramin B…).

Đối với hộ không đủ điều kiện tự xử lý chất thải bằng phương pháp đốt tại hộ dân: Chuyển giao cho nhân viên y tế của xã, phường, thị trấn đến thăm khám bệnh nhân F0 (có đầy đủ trang bị bảo hộ), chất thải sẽ được nhân viên y tế thu gom đưa về điểm tập trung ở xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã chỉ định, quản lý và chịu trách nhiệm xử lý bằng phương pháp đốt có kiểm soát (địa điểm đốt phải xa khu dân cư, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, phòng dịch, bảo vệ môi trường và tùy tình hình thực tế tại địa phương) hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý để thu gom, vận chuyển về điểm xử lý theo đúng quy định.

Trường hợp hộ cách ly tại địa phương có điều kiện đốt tại hộ; UBND cấp xã hướng dẫn người dân việc tự đốt trong khuôn viên căn hộ, khu nhà ở để xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh hàng ngày (đảm bảo đã khử khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc các hóa chất trong xử lý khử khuẩn).

Việc đốt phải đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy và thông thoáng về môi trường, đảm bảo khu vực đốt có khoảng cách an toàn đến con người, đốt hết chất thải, quá trình đốt phải thực hiện trong hố hoặc dụng cụ, không bay, phát tán ra xung quanh. Sau đó, tro đốt cho vào hố có lót đáy và lấp kín đảm bảo không thấm rỉ, hoặc chảy tràn ra môi trường xung quanh khi mưa. Người đốt chất thải phải ở trên gió và đeo khẩu trang bảo hộ, việc đốt được thực hiện không quá 02 người (01 người đốt, 01 người giám sát), không tập trung đông người khi đốt.

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố Cà Mau chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, hướng dẫn trường hợp cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú xử lý chất thải theo các phương pháp theo hướng dẫn, có giám sát việc thực hiện đảm bảo đúng quy định và an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, do tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, trong điều kiện cơ sở vật chất để xử lý chất thải còn rất hạn chế, đề nghị UBND các huyện, thành phố Cà Mau có phương án linh động trong công tác hướng dẫn phân loại, thu gom, xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, phù hợp với biện pháp xử lý từng cấp độ dịch do UBND tỉnh ban hành và theo các hướng dẫn của ngành y tế, ngành tài nguyên và môi trường.

 PV (Th)