Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển thủy sản cho phát triển kinh tế - xã hội, đã nỗ lực không ngừng để xây dựng các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy có hiệu quả việc phát triển chuỗi giá trị thủy sản Việt Nam.
Phát triển chuỗi liên kết thuỷ sản
Theo Bộ Tài chính, để thủy sản Việt Nam phát huy được lợi thế cạnh tranh và hội nhập mạnh mẽ hướng đến phát triển bền vững, luôn cần những chính sách tài chính khuyến khích của Nhà nước.
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, các chính sách hỗ trợ tài chính luôn cần được thiết kế cẩn trọng để phù hợp với các cam kết đã được ký kết.
Ông Liêm cũng cho rằng, kể từ khi đại diện Việt Nam ký kết xác thực lời văn Hiệp định TPP, có khá nhiều nghiên cứu khác nhau phân tích tác động của TPP với triển vọng tăng trưởng cho Việt Nam và triển vọng của các ngành khi gia nhập TPP.
PGS. TS. Đỗ Thị Phi Hoài (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, hỗ trợ tài chính luôn là một vấn đề nhạy cảm trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do; nhưng hiện tại vẫn còn thiếu những nghiên cứu đánh giá về chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thuỷ sản.
Một cửa hàng kinh doanh “cá ngủ đông”
Theo bà Hoài, hiện nay hệ thống chính sách tài chính khuyến khích phát triển chuỗi liên kết thủy sản bên cạnh những thành công đang tồn tại những hạn chế đòi hỏi cần thay đổi cho phù hợp với xu thế hội nhập thị trường, hội nhập quốc tế và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đánh giá của Hội Nghề cá Việt Nam, trong 30 năm qua, hội nhập kinh tế được đánh giá đã đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Chính phủ luôn cam kết hội nhập chủ động hơn, sâu hơn trên cơ sở hội nhập với chuỗi giá trị toàn cầu.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, thuỷ sản là ngành đã chứng minh được lợi thế cạnh tranh trong quá trình hội nhập, với giá trị xuất khẩu thuỷ sản đã tạo nên sự tăng trưởng liên tục từ 0,102 tỷ USD vào năm 1986, lên hơn 6,5 tỷ USD vào năm 2015. Dự kiến, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt mức 11 tỷ USD và đạt khoảng 20 tỷ USD vào năm 2030.
Để hướng đến phát triển chuỗi liên kết thủy sản trong bối cảnh hội nhập TPP phù hợp, tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu cho rằng, đã đến lúc các cấp, ngành cần tiếp cận với những nhận thức mới. Đó là hiểu đúng bối cảnh hội nhập TPP; hiểu rõ vị thế của ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập TPP; hiểu rõ các sản phẩm thủy sản trong hệ thống định vị các sản phẩm trong bối cảnh hội nhập TPP; định vị đúng, gắn kết trúng các công cụ chính sách vào chuỗi giá trị liên kết.
Hải Dương