Tuy nhiên, về vốn, bình quân mỗi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 19,7 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 13.511 doanh nghiệp, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, thông tin, định hướng thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong công tác đăng ký vườn trồng, cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thống nhất, điều phối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá trong hoạt động thương mại nông sản qua biên giới.
Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, quy định về tiêu chuẩn chất lượng và khuyến cáo của cơ quan chức năng để đưa ra khuyến cáo cho doanh nghiệp; thay đổi phương thức xúc tiến thương mại, giao dịch, tổ chức sản xuất, đa dạng hóa hình thức vận chuyển xuất khẩu nông sản sang thị trường tiềm năng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh lâu dài, mạng lưới phân phối, thương hiệu, mẫu mã, bao bì dành riêng và đăng ký bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu; nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ văn hóa của thị trường.
Hà Trần