Đảng, Chính phủ đã có phương hướng, chỉ đạo gì để đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thưa Bộ trưởng?
- Bẫy thu nhập trung bình trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước đã xác định đây là một trong những thách thức lớn của sự nghiệp phát triển đất nước. Ngay cả thời điểm hiện tại và thời gian tới, đây vẫn tiếp tục là một thách thức hàng đầu cho đất nước ta.
Một trong những văn kiện quan trọng của Đảng, Chính phủ định hướng cho sự phát triển đất nước, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chính là văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Chiến lược đã đề cập đến 10 Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển đất nước đến năm 2045.
Trong khuôn khổ của bài phỏng vấn, không thể đề cập toàn diện cả 10 nội dung trên, tôi chỉ nhấn mạnh đến những đột phá quan trọng mà Chiến lược đã xác định cần phải thực hiện để bảo đảm hoàn thành thắng lợi mục tiêu của Chiến lược.
Đó là đột phá về hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; và về phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong 3 đột phá nêu trên, đột phá thể chế là đột phá đầu tiên và cũng là đột phá quan trọng nhất bởi đột phá này làm nền tảng và tiền đề cho các đột phá khác thành công.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đột phá về thể chế cũng sẽ làm sáng tỏ về lý luận và thực tiễn đối với nhiều mối quan hệ lớn được đề ra trong các kỳ Đại hội Đảng ví dụ như giữa ổn định, đổi mới và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa,…
Tùy từng đột phá khác nhau, các cách thức để hiện thực hóa thành công các đột phá này cũng có sự khác nhau.
Để hiện thực hóa đột phá về thể chế, đầu tiên và quan trọng nhất là cần phải tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng thể chế phải theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thời đại; có tính chủ động, có tính khoa học, thực tiễn và có tầm nhìn dài hạn và toàn cục.
Việc xây dựng thể chế không chỉ từ trên – xuống, hay từ dưới – lên mà là một đan xen tinh vi, nhiều chiều cạnh, để bảo đảm tính thực tiễn cao và một sự toàn diện, rộng khắp, sâu sắc, đủ mạnh mẽ khi các chủ trương, chính sách được ban hành và triển khai thực hiện.
Tiếp đó, đột phá về thể chế cần phải bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, không thể chỉ thực hiện cho riêng lẻ một vài khâu, hay một vài ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Đối với thể chế kinh tế ở nước ta, những nội dung liên quan đến nền tảng kinh tế, đặc biệt là liên quan đến sở hữu như quyền tài sản, sở hữu đất đai, sở hữu trí tuệ,… luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, nhất là khi phạm vi và đối tượng của sở hữu đã có sự thay đổi theo thời gian. Ngoài ra, nội dung về môi trường đầu tư – kinh doanh cũng luôn cần được chú ý trong bối cảnh mới.
Ví dụ, môi trường đầu tư – kinh doanh không chỉ dừng lại ở sự ưu đãi thuế tốt cho doanh nghiệp, hay một cửa trong xử lý thủ tục hành chính, mà cần phải có sự phát triển vượt bậc về nhân lực, về khoa học công nghệ, về tiếp cận nguồn lực, về tốc độ xử lý, về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, về vận hành thông suốt các loại thị trường...
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền kinh tế tri thức và chuyển đổi số, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Nguồn nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng, gia tăng năng suất lao động, giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa các mục tiêu đến năm 2030 và 2045 đã đề ra.
Trong thời gian tới, dự báo bối cảnh trong nước và quốc tế tiếp tục có nhiều thay đổi, để hiện thực hóa thành công đột phá về nhân lực, cần tập trung vào một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng, tay nghề nhất là kỹ năng gắn với nhu cầu thực tế và tương lai của thị trường lao động.
Thứ hai, tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ bậc học phổ thông đến đại học theo hướng đào tạo, phát triển kiến thức, kỹ năng, tác phong, ý thức, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp gắn với xây dựng xã hội học tập đảm bảo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện cải cách về thể chế thị trường lao động theo hướng tôn trọng quy luật cung - cầu; chú trọng công tác thông tin và dự báo về cung- cầu thị trường lao động; ban hành cơ chế, công cụ tài chính, pháp lý để hỗ trợ, bảo vệ người lao động trước những khó khăn, cú sốc của nền kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành thêm nhiều doanh nghiệp mới cũng như giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Đồng thời, Đảng, Chính phủ ta đã xác định phát triển đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ lâu dài, cần phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Trong thời gian tới, tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Cần tiếp tục tập trung vào hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng.
Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng; tiếp tục triển khai thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với các dự án, công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.
Ngoài ra, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tập trung đầu tư, xây dựng và hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan toả, tạo sự đột phá, các dự án hạ tầng kinh tế như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, cảng hàng không quốc tế Long Thành,...
Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có sự chuẩn bị và có những đề xuất gì về vấn đề này?
- Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục là cơ quan chủ trì, đầu mối tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng Báo cáo Đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030 (gọi tắt là Báo cáo Kinh tế - Xã hội) trình Đại hội Đảng lần thứ XIV (dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026).
Chúng tôi nhận định rằng, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức khó lường.
Để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược đặt ra đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá, quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nhiều nội dung, nhưng trong phạm vi của một bài phỏng vấn, tôi chỉ xin nêu một số điểm mới, đáng chú ý. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, phải có tư duy phát triển mới, nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội để vượt qua thách thức, chủ động quyết định tương lai phát triển đất nước; có các giải pháp đột phá, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, lấy phát triển để duy trì ổn định mới có thể đạt được các mục tiêu Chiến lược.
Ví dụ, chúng ta có thể nới trần nợ công, nhằm tạo ra dư địa huy động nguồn lực từ trong bối cảnh hiện nay tỷ lệ nợ công so với GDP của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tỷ lệ nợ công so với GDP của Việt Nam đến năm 2023 là khoảng 37%; trong khi đó, tỷ lệ này của Singapore là 168,3%, Trung Quốc là 77%, Malaysia là 65,6%, Thái Lan là 60,5%, Indonesia là 40,1%, của một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ là 121%, Nhật Bản là 261%...
Thứ hai, quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn… coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế vùng; phát huy tối đa lợi thế quốc gia, lợi thế của từng vùng và từng địa phương; phát triển có trọng tâm, trọng điểm, sớm hình thành và phát huy hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, vùng động lực, cực tăng trưởng để mở rộng không gian phát triển mới.
Thứ tư, phải tập trung nguồn lực và có chính sách ưu tiên vượt trội để phát triển các ngành công nghiệp mới (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, vật liệu mới…), các ngành dịch vụ, mô hình kinh tế mới, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do...; đẩy mạnh tự chủ, tự cường, vươn lên làm chủ công nghệ.
Đồng thời, tạo bứt phá về phát triển đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, hạ tầng số, đào tạo nhanh nguồn nhân lực... để xây dựng nền tảng đưa nước ta trở thành nước phát triển.
Thứ năm, xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, kiến tạo phát triển. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường phản biện chính sách. Phải thực sự coi phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đồng thời, cần có nhiều cách thức khơi dậy tinh thần, ý chí, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm của con người Việt Nam trong xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo congluan.vn