Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ giảm nghèo đạt trên 2,9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 56,34 triệu đồng/người/năm; hỗ trợ nhà ở cho 1.040 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.887 hộ; hằng năm tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 đến 17.000 lao động.
Về Y tế: 100% hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ BHYT; ước hết năm 2024 có 200 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, tỷ lệ tham gia BHYT ước đạt 94,45%. Về Giáo dục và Đào tạo: Số trẻ mầm non đến trường, học sinh đi học phổ thông được duy trì đạt tỷ lệ trên 99%, đặc biệt: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai chương trình “Tiết học biên cương”, “Nâng bước em đến trường - con nuôi đồn biên phòng”, Dự án “Cán bộ chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”, rất thiết thực , hiệu quả và nhân văn;
Các Chương trình Mục tiêu quốc gia được triển khai khẩn trương và nghiêm túc, riêng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số & miền núi, tình hình giải ngân tiến triển tốt (tỷ lệ giải ngân từ năm 2022-2023 đạt 63,91%. Ước thực hiện giải ngân năm 2024 đạt 80,68%. Bên cạnh đó, mặt trận truyền thông phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, phổ biến tình hình KT-XH bằng tiếng dân tộc được đẩy mạnh để tăng cường kiến thức cho đồng bào.
Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh Lạng Sơn quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, kết nối vùng sản xuất hàng hoá. Đồng thời, tỉnh bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân.
Lạng Sơn phấn đấu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn); duy trì 100% xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế; 99% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các gia đình vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục chất lượng cao; cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Cộng đồng các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời và là “máu-thịt” của dân tộc Việt Nam. Đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là nền tảng đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị: Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục quan tâm phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống và làm giàu trên quê hương mình.
Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở các xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ và cán bộ dân tộc thiểu số rất ít người, tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn; phát huy vai trò của người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Trước mắt đẩy nhanh tiến độ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã xác định.
Đối với các đại biểu và đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục, y tế tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng bào cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa bản làng, quê hương chúng ta phát triển giàu mạnh. Cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời nhanh chóng bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chuyển hóa các di sản và bản sắc dân tộc trở thành một nguồn lực cho sự phát triển bền vững.
Tại Đại hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm mong muốn, đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, chung sức đồng lòng. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các địa phương, các cấp, các ngành cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; phát triển mạng lưới y tế ở cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV, năm 2024 đề ra, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Dịp này, 2 cá nhân của tỉnh Lạng Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 33 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn.
Triệu Thành