Các TTV của Dự án tham gia thu gom bơm kim tiêm bẩn, tuyên truyền cho các đối tượng nghiện chích hút ma túy trên địa bàn TP. Hạ Long
Hàng tháng, các thành viên trong Dự án họp mặt bàn kế hoạch cho công tác truyền thông, cung cấp dịch vụ dự phòng cho các nhóm lây nhiễm có nguy cơ cao. Công việc của các tuyên truyền viên (TTV) đồng đẳng của dự án có tính chất khó khăn, phức tạp ít ai ngờ, thậm chí có khi còn nhận được cái nhìn không thiện cảm, sự kỳ thị từ cộng đồng.
Với Trưởng nhóm Tiếp cận cộng đồng Đinh Tuấn Anh, là tới các “điểm nóng” để thu dọn bơm kim tiêm của các "con nghiện" vứt lại. Anh còn tiếp cận các đối tượng nghiện hút để tuyên truyền, chỉ rõ về nguy cơ lây nhiễm bệnh qua dùng bơm kim tiêm bẩn, cấp bơm kim tiêm sạch, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng nhóm Hạ Long xanh thường xuyên tiếp cận, thâm nhập các “điểm nóng”, các tụ điểm vui chơi, kinh doanh giải trí... ở các phường Cao Xanh, Hà Khánh (TP Hạ Long) để tuyên truyền cho các đối tượng có nguy cơ về cách sử dụng bao cao su (BCS) đúng cách, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cấp BCS, kiến thức về HIV, khám sức khỏe định kỳ...
Ngoài những hoạt động ý nghĩa trên, kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 4/2015), Tiểu dự án SDCI còn mở rộng mạng lưới, kết nối với các nhóm cộng đồng để tuyên truyền, giúp đỡ những nhóm người nhiễm HIV và nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, chương trình đã kết nối với nhóm, CLB của người nhiễm HIV, người đồng giới, người sử dụng ma túy, như: Hoa hướng dương; Hoa xương rồng; Bình minh Hạ Long; Góc khuất Hạ Long; Loveboy Hạ Long; Bạch Đằng Giang (Quảng Yên), Biển xanh (Cẩm Phả)… Thông qua kênh này, các nhóm cũng đã tổ chức được trung bình 5-7 buổi tuyên truyền/tháng cho các nhóm lớn (từ 5-20 đối tượng), giúp đỡ những người có HIV và nguy cơ nhiễm HIV cao để mọi người có hiểu biết sâu hơn về bệnh, nguy cơ lây nhiễm, lợi ích của việc điều trị HIV sớm… Từ đó, nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe chính bản thân mình và cộng đồng.
Một trong những điểm ưu việt của Tiểu dự án SDCI là khuyến khích các đối tượng trên tới các trung tâm khám sức khỏe, xét nghiệm miễn phí để chủ động, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe.
Theo thống kê của Tiểu dự án SDCI, nhờ những hoạt động tích cực, hiệu quả mà những năm qua, tỷ lệ các đối tượng nghiện chích ma túy trong phạm vi dự án khảo sát đã giảm đáng kể, từ 21,33% (năm 2014) xuống còn 17% (năm 2016) và 10% (năm 2017); tỷ lệ đối tượng mại dâm cũng giảm từ 2,4% (năm 2014) xuống 2,33% (năm 2016) và 2% (năm 2017). Không chỉ vậy, trong quá trình công tác, các TTV của dự án còn là “cầu nối” hiệu quả để kết nối các đối tượng với cơ quan quản lý, như: Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh giúp đỡ vốn, đào tạo nghề để các chị em chuyển đổi nghề nghiệp. Theo đó, trong năm 2017, 6 chị em được hỗ trợ vốn kinh doanh, hàng chục chị em được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Không chỉ chia sẻ cùng người nhiễm HIV, chương trình còn là một mô hình hoạt động hiệu quả, cách làm mới trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay.
Châu Giang