Chủ động vượt qua thách thức
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị Nhà nước đến kinh tế - xã hội - môi trường; trong đó các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Xác định công nghệ là sức mạnh để hội nhập và thực hiện chủ trương hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sáng tạo, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5321/KH-UBND ngày 23/11/2017 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho 800 học viên là các chủ DN mới được thành lập, học tập các chuyên đề về Hội nhập kinh tế quốc tế, quốc gia khởi nghiệp và quản trị nhân lực gắn với công tác phát triển DN trong thời kỳ hội nhập.
Quang cảnh lao động sản xuất tại Công ty cổ phần Tasa wood (KCN Thụy Vân)
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng cho cán bộ, giảng viên tham gia công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã thu hút được hơn 1.000 lượt học viên tham gia. Thực hiện 11 dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2016- 2020, với số vốn hỗ trợ là 2,62 tỷ đồng; 6 dự án thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016- 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 3,312 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 21/12/2012 của UBND tỉnh về hỗ trợ DN vừa và nhỏ sản xuất công nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, giai đoạn 2017-2018, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 21 DN có hoạt động đổi mới, hiện đại hóa công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ là 6,5 tỷ đồng. Năm 2019, tiếp tục thực hiện các thủ tục hỗ trợ kinh phí đối với 12 dự án đổi mới công nghệ. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất kinh doanh cho 17 dự án với tổng kinh phí hỗ trợ 42,129 tỷ đồng…
Qua đó tạo điều kiện, khuyến khích các DN trên địa bàn mạnh dạn đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, từ đó đã nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho DN.
Đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 7.601 DN thành lập (trong đó: DNNN: 28, DN nước ngoài: 159, DN tư nhân: 7.414) với tổng vốn đăng ký 51.538 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2017 đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có thêm 1.802 DN thành lập (bình quân mỗi năm tăng 720 DN) với vốn đăng ký 10.477 tỷ đồng.
So sánh giai đoạn 2017-2019 với giai đoạn 2014 -2016, số lượng DN tăng gấp 1,4 lần. Mức độ tăng trưởng DN thành lập mới 16%/năm. Năm 2018, DN đóng góp vào ngân sách Nhà nước 2.838 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019 là 1.049 tỷ đồng, ước cả năm 2019 là 3.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 70% vào tổng thu ngân sách của tỉnh).
Những kết quả trên đã chứng minh sự lớn mạnh và đóng góp của cộng đồng DN vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn và thách thức. Các DN trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều DN còn bị động với các xu thế mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình sản xuất, kinh doanh.
Đáng chú ý, doanh nghiệp phát triển còn thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác, đặc biệt giữa khâu sản xuất và phân phối, trong khi có nhiều DN trung gian khiến các đơn hàng bị đội giá, giảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, các DN đều mở nhiều ngành hàng một lúc, khiến độ tinh xảo không cao, từ đó ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và không cạnh tranh được về giá…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các DN nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất - vận hành… Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 còn giúp các DN của tỉnh đi tắt đón đầu trong đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ, thành tựu công nghệ của thế giới, trước hết là công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ điều khiển và tự động hóa để nâng cao năng suất, hiệu quả trong tất cả các khâu, tất cả các ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh đó, sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là về mặt kinh tế tri thức sẽ giúp cho Phú Thọ tận dụng cơ hội vàng để phát triển nguồn lực con người, giúp thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp sự phát triển với các tỉnh, thành khác trong cả nước.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng mang lại những thách thức lớn, đó là tạo nên sự bất bình đẳng và phá vỡ thị trường lao động. Những ưu thế về lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ ở thị trường Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng sẽ mất đi ưu thế; dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin. Đặc biệt, các DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến tự động hóa toàn bộ. Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường nằm ở các thương hiệu lớn hoặc có đầu tư từ nước ngoài.
Thay đổi để phát triển
Với đặc điểm là một tỉnh miền núi, tiếp giáp với Hà Nội và là nơi gắn kết với các tỉnh phía Bắc để phát triển công nghiệp, nông nghiệp và du lịch nên việc ứng dụng các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp tỉnh khai thác hiệu quả các thế mạnh về phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp vật liệu xây dựng, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp; phát triển ngành dịch vụ vận tải, ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông…
Việc ứng dụng những công nghệ mới cũng cho phép thúc đẩy năng suất lao động cũng như khả năng biến đổi các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị cho các DN trong tỉnh.
Tuy nhiên, Phú Thọ với vị thế là vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Đông Bắc, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang đặt ra nhiều thách thức mới, đó là thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế khi máy móc tự động hóa đang dần thay thế nhân công, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn.
Với các DN trên địa bàn tỉnh, hiện nay tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất đang tăng dần, nhưng quy mô và phạm vi vẫn còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ tự động chỉ thực hiện đối với một số khâu sản xuất chứ chưa thay thế toàn bộ dây chuyền do khó khăn về tài chính, năng lực quản trị, điều hành DN.
Để giúp các DN có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian tới, cùng với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện các mục tiêu và nội dung phát triển công nghệ thông tin theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và số 30a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng cho DN phát triển, đầu tư và kêu gọi đầu tư đổi mới trang thiết bị, áp dụng mô hình quản trị tiên tiến và công nghệ sản xuất mới. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền về vị trí của DN trong nền kinh tế.
Chính quyền các cấp thống nhất quan điểm hỗ trợ, phục vụ DN để cộng đồng DN của tỉnh phát triển vì sự nghiệp phát triển chung của ngành, địa phương và toàn tỉnh. Cùng với công khai, minh bạch thông tin; hỗ trợ pháp lý và tiếp nhận phản ánh của DN, người dân, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN, nhất là trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính; khởi sự DN; đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ khoa học, công nghệ; hỗ trợ thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác...
Đối với cộng đồng DN trong tỉnh, cần tích cực, chủ động duy trì và phát triển DN theo hướng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Chủ động đề xuất với cơ quan Nhà nước kế hoạch kinh doanh, mở rộng lĩnh vực ngành nghề, quy mô sản xuất kinh doanh để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Xây dựng tốt văn hóa DN, doanh nhân; đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật. Thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của DN theo đúng quy định của pháp luật trên mọi lĩnh vực. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tự giác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Các Hiệp hội DN tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, làm tốt công tác tập hợp, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đánh của cộng đồng DN trong tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, phát triển DN, liên kết, xúc tiến thương mại và đầu tư. Đẩy mạnh công tác an sinh xã hội trong cộng đồng DN.
Đặc biệt, các DN phải sở hữu được 3 yếu tố quan trọng: Thương hiệu, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. Khi bảo đảm hội đủ ba yếu tố này, DN mới có thể đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Trong điều kiện nhiều DN của Việt Nam và trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn vốn yếu… để đáp ứng được các yếu tố trên, các DN cần phải có sự kết nối, hợp tác với nhau để có thể cùng phát triển và nâng cao sức cạnh tranh.
Nguyễn Hữu Nhu
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ