Nhiều chuyển biến tích cực

Tại Diễn đàn, ông Lê Xuân Đình, TBT Tạp chí Kinh tế và dự báo cho biết, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp. 

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. 

Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm.Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến là 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.

Các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Các DN trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam như: Hệ thống kinh doanh tổng hợp có Co.op Mart, Vinmart, Fivimart, SaigonCoop, SatraMart, Hapromart… Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của các nhà bán lẻ nổi tiếng nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết: “Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây”.

Cách nào để doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển? - Hình 1

Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam sáng 20/3/2019

Những thách thức cần gỡ bỏ

Ông Lê Xuân Đình, TBT Tạp chí Kinh tế và dự báo cũng cho rằng, thị phần bán lẻ hiện đại nước ta chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ,thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%.Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tai các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều. 

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập khác như thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.

Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng. Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các DN bán lẻ. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước. 

Đưa ra đề xuất, Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương kiến nghị: “Cần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trong nước; Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại bán lẻ; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực thương mại”.

Tiếp cận các xu hướng bán lẻ trên thế giới

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: “Hiện nay, sthị tường bán lẻ bị chi phối bởi sức mua, hành vi tiêu dùng, công nghệ”.

Cũng tại diễn đàn, Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc khu vực Miền Bắc Nielsen Việt Nam đưa ra các khuynh hướng bán lẻ trên thế giới như Robotmart, Robot tự động, Dịch vụ giao hàng online hoả tốc, trung tâm công nghệ cao hợp nhất, nhãn hiệu riêng...

Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện các xu hướng người tiêu dùng yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khoẻ, ưa chuộng sp cao cấp, người tiêu dùng kết nối, thế hệ Z - người tiêu dùng tương lai. 

Xu hướng bán lẻ hiện tại tại VN tho bà Hà đó là, bán lẻ đa kênh, cửa hàng nhỏ lẻ là tương lai, nhu cầu tiện lợi, cuộc cách mạng sức khoẻ, đổi mới cải tiến.

Bà Hà cũng đưa ra các gợi ý cho doanh nghiệp bán lẻ như nghiên cứu xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp khách hàng sự trải nghiệm liền mạch; Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ là cơ hội cho nhãn hiệu riêng hoặc sản phẩm phân phối độc quyền; Khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ cải tiến, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng; Cần hiểu biết sâu sắc về người mua hàng; Đảm bảo yếu tố mới lạ về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.

Trúc Mai