Cải cách thể chế: Thúc đẩy năng lực sáng tạo - Hình 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 (VRDF)

Đột phá mới - tăng trưởng mới

 Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Số liệu thống kê, đến hết năm 2017, quy mô dân số đạt khoảng 94 triệu người (thứ 14 trên thế giới); quy mô nền kinh tế đạt khoảng 224 tỷ USD, xếp thứ 45 (nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) thì quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 647 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD, xếp thứ 134; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,81% (năm 2018 đạt cao hơn); chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm.

Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.

Đạt được kết quả tích cực nêu trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội, cộng đồng DN và sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, nhất là các đối tác phát triển. Nền kinh tế Việt Nam những năm tới, hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Bởi vậy, Chính phủ luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại, cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển nền kinh tế.

Phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2018 (VRDF), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung giải quyết các khó khăn để chuyển hóa thành 3 đột phá chiến lược thực sự phục vụ yêu cầu phát triển. Chính phủ sẽ tăng tốc trong cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo kênh tương tác trực tiếp giữa người dân và chính quyền, xây dựng một cơ chế mà các chủ thể trong xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả, trực tiếp vào quá trình lập chính sách.

Tập trung chuyển đổi số, trong đó ưu tiên xây dựng khung pháp lý về số hóa và cổng dịch vụ công quốc gia. Đổi mới cơ chế tuyển dụng, đánh giá cán bộ để lựa chọn được người tài phục vụ trong hệ thống hành chính”.

Cùng với việc thực hiện các đột phá chiến lược, Thủ tướng cho biết: “Chính phủ sẽ bổ sung thêm 2 đột phá mới, coi đó là 2 động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam trong thập niên tới. Một là, thúc đẩy năng lực sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 - cơ hội để Việt Nam tăng năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. Hai là, thúc đẩy và phát huy khu vực kinh tế tư nhân.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Hướng tới mục tiêu năm 2020, có khoảng 1 triệu DN, chủ yếu trong khu vực tư nhân. Sáng tạo và khởi nghiệp - tập trung vào tầng lớp thanh niên trẻ, có khát vọng, sáng tạo, dám làm, chấp nhận vấp ngã và biết đứng lên.

Trước đó, tại Hội nghị APEC cuối năm 2017, Thủ tướng đã khẳng định: “Tầm nhìn phát triển của thập niên tới đó là đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế năng động, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, có khả năng phát triển nhanh và bền vững. Đó cũng chính là quan điểm, chiến lược phát triển tất yếu để nền kinh tế Việt Nam có đủ nội lực bứt phá, vươn lên trong chặng đường tiếp theo, bắt kịp các quốc gia đã có nền tảng phát triển vững vàng trong khu vực”.

Xây dựng thể chế hiện đại

Tại diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam, Bộ KH&ĐT đã công bố tài liệu “Khung chính sách kinh tế Việt Nam”. Trong đó, mục tiêu phát triển dài hạn đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao với GDP bình quân đầu người đạt 10.000 USD. Trong lộ trình từ nay đến năm 2035, GDP đặt mục tiêu đạt 290 tỷ USD vào năm 2020; 440 tỷ USD vào năm 2025; 670 tỷ USD năm 2030 và 1.050 tỷ USD vào năm 2035.

Khung chính sách xác định, các động lực tăng trưởng chính trong gần 2 thập kỷ tới, gồm: Bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nhân lực và đổi mới sáng tạo; khu vực tư nhân phát triển; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên CMCN 4.0 và thể thể kinh tế thị trường.

Để đạt được những mục tiêu như vậy, những trọng tâm cải cách sẽ tập trung vào hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế của đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; thể chế hiện đại và Nhà nước hiệu quả.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại. Đây là thời điểm “vàng” bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý. Cơ hội về tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc CMCN 4.0; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lưu ý, để cải cách và phát triển, Việt Nam cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về mối quan hệ giữa cải cách và phát triển trong cả nhận thức và hành động; đồng thời dự báo và ứng phó được những tác động bất lợi của cuộc CMCN 4.0. Trong đó, một mặt phải phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong lĩnh vực công nghệ.

Bên cạnh đó, cần cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông.

Ngoài ra, cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa DN trong nước với DN nước ngoài. Mặt khác, phải có biện pháp nhằm giảm thiểu những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.

Phan Chinh