Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm 2025 các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục phát sinh, lây lan và diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, làm chết và buộc phải tiêu hủy số lượng lớn gia súc, gia cầm, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, đặc biệt đã có 20 người tử vong do bệnh Dại tại 13 tỉnh.

Tại Hà Tĩnh, Dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 7 xã thuộc các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày. Trước tình hình dịch bệnh, cùng với thời tiết thời điểm giao mùa làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển; các hoạt động vận chuyển, buôn bán để tái đàn gia tăng.

Bên cạnh đó, kết quả tiêm phòng vắc xin đợt 1 năm 2025 cho đàn vật nuôi còn đạt thấp, nên nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho đàn vật nuôi.
Tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho đàn vật nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh giao các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung thực hiện và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau:

Tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng; xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh chết kịp thời, đảm bảo chính xác về số lượng, khối lượng tiêu hủy, hồ sơ, thủ tục theo quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống kiểm soát dị h bệnh.

Tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh của đàn vật nuôi trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch; thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh trên đàn vật nuôi từ cơ sở ngay từ khi mới phát sinh ổ dịch.

Thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết kịp thời, đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
Thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết kịp thời, đảm bảo an toàn theo đúng quy định.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 1 năm 2025 cho đàn vật nuôi; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/5/2025 theo Kế hoạch số 578/KH-UBND ngày 2/12/2024 của UBND tỉnh.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của tiêm phòng vắc xin đối với sức khoẻ của đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất chăn nuôi.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đợt 1 năm 2025, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 1 năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đợt 1 năm 2025.

Tổng hợp báo cáo tình hình, diễn biến và kết quả các hoạt động phòng, chống dịch, kết quả tiêm phòng đợt 1 năm 2025 trước ngày 10/6/2025 về Sở Nông nghiệp và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh theo quy định.

Chịu trách nhiệm trước pháp luật, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu lơ là, thiếu tập trung chỉ đạo để dịch bệnh phát sinh diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi và các đơn vị liên quan chủ động nắm bắt thông tin, tình hình, diễn biến dịch bệnh; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Các Sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã, Sở Nông nghiệp và Môi trường để hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng đợt 1 năm 2025 cho đàn vật nuôi kịp thời, hiệu quả và báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.

Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc triển khai, thực hiện; tổng hợp kết quả các hoạt động phòng, chống dịch, kết quả tiêm phòng đợt 1 năm 2025, tham mưu, báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền trước ngày 25/6/2025.

Khánh Trình