Từ đầu năm 2025 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Hà Tĩnh đã xảy ra tại 3 địa phương: huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh với 11 xã có ổ dịch, làm hơn 280 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu huỷ và đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Dịch tả lợn châu Phi tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng. (Ảnh: TO)

Từ đầu tháng 1/2025 đến nay, trên đia bàn huyện Thạch Hà đã phát hiện 6 ổ dịch tại 2 xã Thạch Châu và Thịnh Lộc khiến 46 con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Ngay khi phát hiện dịch, huyện Thạch Hà đã ban hành công văn, chỉ đạo các biện pháp chống dịch ở địa bàn xảy ra dịch và phòng bệnh ở các địa bàn lân cận. Hiện đã cấp phát gần 500 lít hóa chất, gần 5 tấn vôi bột đến các địa phương có dịch và địa bàn lân cận để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi.

Tại thành phố Hà Tĩnh cũng đã ghi nhận các ổ dịc tả lợn châu Phi ở 3 xã (Tượng Sơn, Thạch Trị, Thạch Thắng) làm 45 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy. Là địa bàn rộng, nhiều hộ dân còn chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi địa bàn lại là điểm kết nối vận chuyển qua các địa bàn và hoạt động buôn bán sôi động càng khiến dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lây lan, phát sinh. Hiện nay, thành phố đã cấp phát 754 lít hoá chất, 9.700kg vôi bột để tiêu độc, khử trùng.

Ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi.
Ngành chuyên môn lấy mẫu xét nghiệm dịch tả lợn Châu Phi. (Ảnh: TO)

Còn huyện Cẩm Xuyên, dịch đang xảy ra tại 6 xã (Cẩm Thạch, Cẩm Dương, Yên Hòa, Cẩm Thịnh, Cẩm Sơn, Cẩm Mỹ) làm 185 con lợn mắc bệnh chết, buộc tiêu hủy. Điều đáng lo ngại là các ổ dịch đã xảy ra trước Tết tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đang tiếp tục bùng phát, lây lan tại các hộ mới với số lượng tổng đàn lớn.

Là địa bàn đang có nhiều diễn biến phức tạp của dịch, huyện Cẩm Xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan đang tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình hình chăn nuôi trên địa bàn để phát hiện lợn bị bệnh, bị chết và xử lý kịp thời ổ dịch; kiểm tra thường xuyên việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; điều tra, nắm chắc tổng đàn đến thời điểm hiện tại; hướng dẫn các hộ kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật; tổ chức phun tiêu độc khử trùng diện rộng, khoanh vùng dập dịch.

Tiến hành tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Tiến hành tiêu hủy lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: TO)

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Tĩnh, đây là giai đoạn chuyển mùa, sức đề kháng của đàn vật nuôi kém, dễ mắc bệnh; hoạt động mua bán, vận chuyển gia tăng... khiến dịch bệnh có nguy cơ lây lan cao. Ngoài ra, tình trạng người chăn nuôi khi phát hiện lợn ốm không báo cho chính quyền địa phương mà gọi thú y tư nhân hành nghề điều trị; một số địa phương chưa quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh cũng là những nguyên nhân khiến diễn biến phức tạp.

Người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng các khu vực, ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.
Người chăn nuôi tiêu độc, khử trùng các khu vực, ngăn chặn dịch lây lan diện rộng. (Ảnh TH)

Để chủ động trong công tác phòng, chống và xử lý dịch tả lơn Châu Phi, không để phát sinh, lây lan ra diện rộng, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã đề nghị tập trung chỉ đạo kiểm tra, rà soát nắm chắc tổng đàn, tình hình chăn nuôi lợn; giám sát dịch bệnh chặt chẽ để kịp thời xử lý dứt điểm các ổ dịch phát sinh, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh.

Phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; ngăn chặn buôn bán vận chuyển giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật, nhập gia súc từ tỉnh khác vào cơ sở giết mổ mà không có hồ sơ thủ tục theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khánh Trình