Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, phát hiện các ổ dịch lở mồm long móng trên trâu, bò tại các xã Kỳ Bắc, Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Đồng của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khiến nhiều gia súc bị ốm, chết, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Theo đó, ngày 14/9, dịch lở mồm long móng được phát hiện 4 trường hợp (3 con bò, 1 con trâu) tại thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh. Sau 4 ngày phát hiện 4 trường hợp đầu tiên, đến ngày 18/9, toàn thôn Kim Sơn đã có 14 con trâu, bò của 9 hộ gia đình được ghi nhận mắc bệnh.
Qua theo dõi, nắm tình hình, từ ngày từ ngày 14/9 đến 10/10, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò xảy ra tại 4 xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, Kỳ Giang, Kỳ Khang làm 56 con trâu, bò (trâu 8 con, bò 48 con) của 30 hộ gia đình ốm, chết. Trong đó, số gia súc chết và tiêu huỷ có 6 con tại 3 xã Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Đồng.
Ngoài ra, vùng bị uy hiếp dịch gồm các xã: Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Thọ và Kỳ Trung. Vùng đệm gồm các xã: Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Tân và Kỳ Tây.
Trước diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng, UBND huyện kỳ Anh đã khẩn trương, tập trung tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành công điện về việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng, chống bệnh lở mồm long móng gia súc và tiêm phòng đợt 2 năm 2024.
Để kịp thời khống chế, dập tắt các ổ dịch lở mồm long móng gia súc phát sinh trên địa bàn và chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành chức năng khẩn cấp tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 2 năm 2024 và chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.
Đối với huyện Kỳ Anh và địa phương đang có ổ dịch phát sinh: khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình, diễn biến, công bố dịch bệnh và tập trung các nguồn lực, tổ chức chống dịch bệnh theo đúng quy định và các hướng dẫn của ngành chuyên môn để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.
Đối với các huyện, thành phố, thị xã còn lại: Tổ chức kiểm tra, rà soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên toàn địa bàn đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các ổ dịch trên gia súc, gia cầm; thực hiện nghiêm công tác báo cáo dịch bệnh gia súc, gia cầm từ cơ sở ngay từ khi mới phát sinh ổ dịch.
Khẩn trương tổ chức, triển khai và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh đợt 2 năm 2024 cho đàn vật nuôi; đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 80% đàn vật nuôi được tiêm đủ, đúng loại vắc xin tại thời điểm tiêm phòng, hoàn thành trước ngày 30/10/2024.
Bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch bệnh và công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Báo cáo tình hình, diễn biến và kết quả thực hiện phòng, chống dịch, tiêm phòng đợt 2/2024 về Sở NN&PTNT (trước 16h30 hằng ngày) để tổng hợp, tham mưu, báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh theo quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT: Chủ động nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến dịch bệnh, phối hợp với các Sở, ngành chức năng theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.
Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ phòng, chống dịch bệnh và tham mưu vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Khánh Trình