“Một trong những nét mới nổi bật về cải cách thủ tục hành chính ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đó là sự ra đời của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” hiện đại. Chính thức hoạt động từ ngày 22/01/2013, đến nay có thể nói, công tác này bước đầu đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người dân”. Chánh Văn phòng UBND huyên, ông Phạm Văn Tốn đã trao đổi với chúng tôi như vậy.


Tứ Kỳ đã và đang thực hiện theo Đề án cải cách thủ tục hành chính 2004. Ông nhận định thế nào về công tác này trong thời gian qua?

Đề án cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của UBND huyện được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 405/2004/QĐ-UBND ngày 29/01/2004. Tại quyết định này, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả được thành lập - chính thức đi vào hoạt động từ tháng 02/2004, trên 6 lĩnh vực như thương binh - xã hội, xây dựng, đăng ký kinh doanh, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân…

Trong điều kiện còn khó khăn và hạn chế về nhiều mặt, song bằng sự nỗ lực của mình, chúng tôi cũng đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, TTHC trên 6 lĩnh vực được công khai minh bạch, việc giải quyết được nhanh chóng hơn, giảm bớt phiền hà, chậm trễ tạo thuận lợi cho tổ chức và công dân có công việc phải liên hệ.

UBND huyện đã tiến hành rà soát các văn bản, các TTHC, quy định về phí, lệ phí; tập trung kiện toàn bộ máy, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức; đôn đốc bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cùng các cơ quan chuyên môn đổi mới phương pháp làm việc, chủ động giải quyết các TTHC theo phương châm nhanh và đúng pháp luật... Vì thế, bước đầu TTHC đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của tổ chức và công dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác này, đã bộc lộ những bất cập cần phải khắc phục. Chẳng hạn như, nhận thức của cán bộ, công chức chưa đầy đủ, chưa xác định được nhiệm vụ cải cách TTHC là khâu đột phá trong giải quyết các công việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; cán bộ phần lớn là kiêm nhiệm. Điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc của Bộ phận một cửa chưa đảm bảo…

Phải chăng, đó chính là lý do – sự cần thiết thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” hiện đại (thuộc Văn phòng HĐND&UBND huyện)?

Từ thực tiễn nêu trên, yêu cầu đặt ra cho UBND huyện đó là cần phải tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện cải cách TTHC theo cơ chế “một cửa” hiện đại, đồng bộ và hiệu quả. Với chủ trương “thực sự chuyên trách, khép kín” - Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” hiện đại (gọi tắt là Bộ phận một cửa) chính là nơi giao dịch duy nhất của cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện với tổ chức và công dân. Hoạt động của bộ phận này sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng công dân phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan để giải quyết công việc, khắc phục tối đa phiền hà, tình trạng “cửa sau” trong quan hệ giải quyết công việc. Bộ phận một cửa giúp tạo lập cơ chế quản lý, điều hành, giám sát thường xuyên, liên tục mọi hoạt động giữa các cơ quan liên quan.

Vậy điều kiện chủ quan và khách quan đối với Bộ phận một cửa ra sao?

Bộ phận một cửa khai trương vào ngày 21/01/2013 (chính thức hoạt động từ ngày 22/01/2013), gồm 4 cán bộ, chuyên viên: Trưởng bộ phận (do Phó chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện phụ trách) và 3 chuyên viên được điều động từ các phòng Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh & Xã hội và Tư pháp.

Trụ sở làm việc tại tầng 1, có vị trí thông thoáng, tiếp giáp cổng chính UBND huyện, thuận lợi cho tổ chức, công dân đến giao dịch.

Tại Bộ phận một cửa, được lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin với nhiều trang thiết bị hiện đại; có hệ thống xếp hàng tự động, hệ thống tra cứu thủ tục bằng màn hình cảm ứng, máy quét mã vạch tra cứu trạng thái hồ sơ, hệ thống camera quan sát, hệ thống phần mềm mạng nội bộ lối đến lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn. Đó là một quy trình kép kín trong thực hiện các TTHC, đồng thời thực hiện việc giám sát đối với cán bộ, công chức thực thi công vụ tại Bộ phận một cửa và các phòng chuyên môn.

UBND huyện đã lựa chọn 53/232 TTHC trong Bộ TTHC chung áp dụng cho cấp huyện, đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 766/QĐ-UBND ngày 07/4/2012. Đó là các nội dung diễn ra thường xuyên, thủ tục quy định rõ ràng, cụ thể trên 5 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện: tư pháp (9 thủ tục); tài chính - kế hoạch (12 thủ tục); kinh tế và hạ tầng (10 thủ tục); tài nguyên và môi trường (9 thủ tục); lao động - thương binh & xã hội (13 thủ tục).

Vừa qua, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh, sau khi đi thực tế đã đánh giá: “Tuy ra đời muốn, nhưng Bộ phận một cửa ở Tứ Kỳ là một trong những nơi - hoạt động mang lại hiệu quả nhất”?

Sau gần 9 tháng hoạt động (tính đến 23/9/2013), Bộ phận một cửa đã tiếp nhận tổng cộng 5.501 hồ sơ (bình quân 687 hồ sơ/tháng). Trong đó, lĩnh vực tư tài nguyên và môi trường tiếp nhận 2.515 hồ sơ, chiếm 45,72% tổng số hồ sơ; tư pháp 1.729 hồ sơ, chiếm 31,43%; lao động - thương binh và xã hội 1.029 hồ sơ, chiếm 18,7%; tài chính - kế hoạch 220 hồ sơ, chiếm 4%; kinh tế và hạ tầng 8 hồ sơ, chiếm 0,15%.

Đã giải quyết và trả kết quả cho 5215/5501 hồ sơ, chiếm 94,8% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận. Trong đó, số hồ sơ trả trước và đúng hạn là 5.195, chiếm 99,62%; số hồ sơ trả quá hạn là 20, chiếm 0,38%; số hồ sơ đang giải quyết là 173, chiếm 3,14%; số hồ sơ đang chờ trả kết quả là 11, chiếm 0,2%; số hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, trả lại tổ chức, công dân là 102, chiếm 1,85%...

Vậy dư luận trong cán bộ và nhân dân nhận xét ra sao về hoạt động của Bộ phận một cửa?

Trước hết, chúng tôi triển khai trên nhiều kênh thông tin (cả trực tiếp và gián tiếp) như đặt hòm thư góp ý trực tiếp tại Bộ phận một cửa, công bố công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Trưởng Bộ phận; ý kiến phản ánh của bí thư chi bộ nông thôn tại các buổi giao ban do huyện ủy tổ chức; thông qua hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, các cuộc họp của UBND huyện, ý kiến phản ánh của cán bộ các cấp và trực tiếp trao đối với công dân, người đại diện của tổ chức khi đến Bộ phận một cửa thực hiện TTHC…

Về cơ bản, Bộ phận một cửa được dư luận trong cán bộ và nhân dân đánh giá hoạt động có nền nếp, từng bước đi vào ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực. Tổ chức, công dân hài lòng về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, chuyên viên Bộ phận một cửa trong quá trình tiếp nhận và giải quyết TTHC.

Ông vừa nói “tổ chức, công dân hài lòng về tinh thần và thái độ phục vụ của cán bộ, chuyên viên Bộ phận một cửa”?

Họ làm việc có ý thức, tinh thần kỷ luật cao, chấp hành nghiêm quy định về thời gian, nội quy đề ra. Các chuyên viên đều là những cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp với công dân cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra; nhiệt tình, có ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao, tích cực hỗ trợ nhau trong công tác, sử dụng thành thạo phần mềm để tiếp nhận, bàn giao hồ sơ của tổ chức, công dân cho các phòng, ban chuyên môn và tiếp nhận kết quả giải quyết, trả công dân theo đúng quy trình theo Bộ TTHC đã được UBND tỉnh công bố.

Ông có thể nêu một số nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn; nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhất là việc kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, công dân. Mặt khác, tiếp tục rà soát để bắt buộc các cơ quan chuyên môn đưa các TTHC có liên quan nhiều đến tổ chức, công dân và thường giải quyết không đúng trình tự, để kéo dài vào thực hiện tại Bộ phận một cửa. Đồng thời, chúng tôi sẽ hoàn thiện việc bổ sung thêm 28 TTHC để triển khai đưa vào thực hiện tại Bộ phận một cửa…

Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí nhằm cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc tại Bộ phận một cửa. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tăng biên chế cho Bộ phận này để đảm bảo thực hiện tất cả các TTHC trong những năm tiếp theo và hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Xin cảm ơn ông!

Xuân Phong – Duy Khương (Thực hiện)