Cận cảnh ngôi chùa làng hàng chục tỷ đồng tại Thái Bình - Hình 1

Một ngôi chùa làng  được xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng

Ngôi chùa Phúc An, xã Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ được xây dựng mới hoàn toàn theo mô hình thiết kế của chùa Bái Đính thu nhỏ, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng lên tới hơn 33 tỷ đồng, ngôi chùa này kể từ khi khởi công xây dựng đến lúc đưa vào hoạt động chỉ trong khoảng thời gian 1 năm.

Theo người dân địa phương cũng là thành viên trong Ban quản lý chùa cho biết, tích pháp của chùa không phải nằm ở địa điểm chùa mới mà theo các cụ xưa truyền lại thì nằm tại khu vực trường tiểu học của xã, cách đó khoảng 50 mét.

Cận cảnh ngôi chùa làng hàng chục tỷ đồng tại Thái Bình - Hình 2

 Việc xây dựng ngôi chùa hoành tráng tại một địa phương còn nhiều khó khăn liệu rằng có hợp lý?

Trước đó, vào thời điểm năm 2011 theo nguyện vọng của bà con cũng muốn cung tiến, công đức để xây dựng một ngôi chùa.  Đến thời điểm năm 2012 chúng tôi bắt đầu kêu gọi công đức, cung tiến. Đến đầu năm 2016 âm lịch ngôi chùa bắt đầu được xây dựng và đến cuối năm 2016 âm lịch cơ bản hoàn chỉnh và đi vào hoạt động.

Cũng theo ông Dân: “Nguồn kinh phí  xây chùa xuất phát từ nhiều nguồn cung tiến khác nhau, người dân ai có của thì góp của, ai có công thì góp công. Đặc biệt nhất việc xây dựng ngôi chùa được 4 công ty đứng ra cung tiến, nhưng không cung tiến bằng tiền mặt mà mỗi đơn vị nhận xây dựng một hạng mục”.

Cận cảnh ngôi chùa làng hàng chục tỷ đồng tại Thái Bình - Hình 3

Công ty Linh Lâm là cái tên bí ẩn đứng ra chủ trì xây dựng và kêu gọi đầu tư

“Có những người người ta công đức 100 triệu đồng thì mình ghi 100 triệu vào sổ công đức, Có những doanh nghiệp người ta công đức nhưng người ta trực tiếp thi công hạng mục, không nói rõ chi phí là bao nhiêu, họ bảo họ công đức có trời biết, đất biết, thánh, phật biết là được, không cần ghi tên trên bảng công đức hay bất cứ ở vị trí nào. Việc công đức để xây dựng thì có rất nhiều đơn vị, tuy nhiên nếu mà nói về đơn vị đứng ra chủ trì ở đây là Công ty xây dựng Lâm Linh, Công ty này lấy 3 đơn vị thành viên vào thi công, trong đó có 1 Công ty của làng. Bên cạnh đó công ty này cũng là đơn vị có trách nhiệm kêu gọi đầu tư” - Ông Dân cho biết thêm.

Theo ông Dân cho biết, tổng số tiền kêu gọi, công đức để xây dựng ở đây thì về chi tiết Ban quản lý không nắm được, mà chỉ nắm được tổng kinh phí xây dựng theo Công ty Lâm Linh báo cáo rơi vào khoảng 33 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại ngôi chùa vẫn chưa bàn giao lại cho làng  do còn 1 số hạng mục vẫn đang phải hoàn thành.

Theo thông tin từ đại diện UBND xã Quỳnh Minh cho biết: Ngôi chùa này không phải do UBND xã đầu tư nên thiết kế thì xã cũng không thiết kế, xã chỉ tiến hành giải phóng mặt bằng sau khi được tỉnh giao đất. Về kinh phí xây dựng thì xã cũng không chỉ đạo cho các thôn thu của dân để xây dựng mà do các đoàn thể, Công ty người ta đến ủng hộ, công đức. Về danh sách ủng hộ xây dựng cụ thể thì xã không nắm được, vì đây là chùa của làng nên ban quản lý của làng người ta nắm, cụ thể là chỗ anh Dân.

Được biết, nơi xây dựng ngôi chùa hoành tráng này cũng là quê hương của một vị lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, nhiều người cũng đặt câu hỏi, ở địa phương khi người dân vẫn còn khó khăn như Quỳnh Minh, thì việc xây dựng một ngôi chùa hoành tráng liệu rằng có hợp lý, trong khi nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng của thôn còn bức thiết hơn nhiều?

PV