THCL Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh việc phát triển xuất khẩu hàng hóa ra thị trường ra quốc tế thì cần coi trọng thị trường nội địa.

Cần dựa vào nội lực để phát triển kinh tế bền vững - Hình 1

Chú trọng dựa vào nội lực

Cách đây không lâu, Quốc hội Việt Nam đã thông qua mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017, trong đó có mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dù còn những khó khăn nội tại nhưng nền kinh tế Việt Nam đang ở vị thế rất thuận để phát triển so với những nước khác trong khu vực và lợi thế trong thu hút đầu tư FDI của nước ngoài. Bởi lẽ, nền chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, dân số vàng, lực lượng lao động cần cù và khéo léo.

Theo ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC, Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Ngoài ra, nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng khuyến nghị, Việt Nam đã rút ra được những bài học sau thời gian hội nhập vừa qua. Trong quá trình hội nhập của mình, Việt Nam đang nhận thức rõ hơn bao giờ hết là muốn phát triển, trước hết phải dựa vào nội lực; tập trung tăng cường nội lực nền kinh tế, nội lực các doanh nghiệp Việt. Bởi vì không nước nào trên thế giới này có thể phát triển được nếu chỉ dựa vào nguồn lực ở bên ngoài.

Cần coi trọng cả thị trường nội địa

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam còn nhiều cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa. Xuất khẩu là rất quan trọng, vì trong một nền kinh tế đông dân, quy mô thị trường lớn nhưng sức mua còn hạn hẹp vì thu nhập còn thấp thì Việt Nam rất cần xuất khẩu hàng hóa. Việc này không những kích thích nền kinh tế trong nước phát triển mà qua đó còn học hỏi được nhiều cách làm ăn trên thế giới.

Dẫu vậy, theo bà Lan, cũng cần phải coi trọng thị trường nội địa vì rất tiềm năng. Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều nhắm vào thị trường nội địa. Cho nên, các doanh nghiệp Việt trong khi hồ hởi đón nhận cơ hội để phát triển xuất khẩu thì cũng nên nhìn vào cả cơ hội ở thị trường nội địa, nhất là khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn.

Bà Lan đặt vấn đề: “Tại sao lại nhường sân nhà của mình cho nhà đầu tư nước ngoài, còn mình vất vả đi tìm kiếm thị trường bên ngoài?”.

PV