Nhiều quy định không khả thi, gia tăng chi phí kinh doanh
Phản hồi dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung dự thảo đang cho thấy nhiều quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết. Đặc biệt là quy định cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong phạm vi 500m là bất hợp lý.
VCCI dẫn chứng, dự thảo thông tư yêu cầu cửa hàng tiện lợi phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người, diện tích kinh doanh từ 30m2 đến dưới 200m2. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh. Thời gian hoạt động được tối đa 24 tiếng/ngày.
Dự thảo cũng quy định những cửa hàng tiện lợi sẽ được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m.
Với quy định này, VCCI cho rằng, dự thảo quy định cửa hàng tiện lợi có “đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi dưới 500m” là không khả thi đối với doanh nghiệp, bởi yếu tố này nằm ngoài khả năng tự quyết định của doanh nghiệp, chủ cửa hàng không thể biết được khách hàng của mình sinh sống tại đâu. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này, cốt lõi là quy định không làm khó hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet đều phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và làm giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh. Việc các cửa hàng có chỗ đỗ xe sẽ giúp thuận tiện cho khách hàng, họ có thêm doanh thu và ngược lại, cửa hàng nào không có chỗ đỗ xe sẽ bị mất khách.
Với quy định này, VCCI cho rằng, thị trường sẽ tự điều tiết việc này mà không cần sự can thiệp của nhà nước. Hơn nữa, hiện nay, một số đô thị đang có kế hoạch hạn chế tiến tới cấm xe cá nhân mà chuyển sang giao thông công cộng. Việc yêu cầu có chỗ đỗ xe vô hình chung đi ngược lại chủ trương trên.
Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia về thương mại, nêu quan điểm: Các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi, siêu thị... tại dự thảo này "phần lớn là quy định mang tính cơ học". Các tiêu chí về hành chính này giúp dễ quản lý, kiểm tra, nhưng không phù hợp thực tế.
Các tiêu chí không phù hợp sẽ được xem xét bãi bỏ
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, dự thảo thông tư có nhiều điểm bất cập, quy định cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong phạm vi 500m là bất hợp lý, hay yêu cầu đổi tên biển hiệu sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.
“Có thể nói, bán lẻ là cầu nối sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, cầu nối có khỏe mạnh thì kinh tế mới phát triển. Do đó, bất cứ văn bản nào đưa ra cũng phải hướng tới doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cho doanh nghiệp phát triển, chứ không phải là kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp…” - bà Vũ Thị Hậu chia sẻ.
Không nên cứng nhắc trong quy định kinh doanh
Góp ý cho dự thảo thông tư, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xây dựng thông tư hướng dẫn phân loại và quản lý một số hạ tầng thương mại đã được một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới thực hiện. Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội hạ tầng thương mại của các địa phương là không giống nhau, nếu đưa ra những tiêu chuẩn cứng nhắc quá sẽ khó có thể áp dụng được với tất cả các địa phương.
Trước áp lực của dư luận, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, việc ban hành thông tư nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời cũng giúp người tiêu dùng nhận biết, phân biệt các loại hình bán lẻ đang phát triển mạnh ở nước ta; ngăn chặn tình trạng lạm dụng trong việc gọi và đặt tên, treo biển (tự phong). Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất trong công tác quy hoạch và quản lý giữa các cấp, các địa phương, cũng như định hướng đối với những cơ sở sẽ ra đời, giúp khách hàng trong nước hiểu đúng về từng loại hình.
Giải thích về quy định cửa hàng tiện lợi chỉ bán cho khách trong phạm vi 500m được tranh luận nhiều nhất, theo bà Lê Việt Nga, quy định này được dự thảo trên cơ sở nghiên cứu tài liệu của một số nước và nghiên cứu của chuyên gia trong nước về cửa hàng tiện lợi.
Quy định “Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m” tại dự thảo thông tư (Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi) không cấm hay hạn chế đối tượng phục vụ/khách mua của loại hình cửa hàng tiện lợi như ý kiến phản ánh trên báo chí, cũng như “cách hiểu” của một số chuyên gia. Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, đồng thời làm cơ sở cho các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.
“Việc lấy ý kiến có thời hạn trong 60 ngày cho đến hết tháng 7/2022, vì vậy Tổ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, các tiêu chí không phù hợp sẽ được xem xét, bãi bỏ. Cùng với ý kiến của các tổ chức, cá nhân, tới đây, Tổ soạn thảo cũng sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, các tổ chức liên quan… sau đó sẽ hoàn thiện, báo cáo lãnh đạo Bộ Công thương về việc xem xét ban hành thông tư theo quy định của pháp luật, hoặc bãi bỏ Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM nếu nhiều nội dung không còn phù hợp" - bà Nga nói.
H.T (t/h)