Nhiều loại bột ngọt san chia, đóng gói không rõ xuất xứ đang được bán tràn lan trên thị trường.
Cần thận trọng với bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ

Hiện nay, trên thị trường đang bán nhiều loại loại bột ngọt (mì chính) được sang chiết từ các bao bột ngọt từ nước ngoài có trọng lượng lớn thành những gói có trọng lượng vài trăm gam đến vài kg và được bán với giá rẻ.

Các loại bột ngọt này thường được san chia, đóng gói tại các cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ; không ghi thông tin về tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất ra sản phẩm bột ngọt trước khi đóng gói; không ghi thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; không có ngày, tháng sản xuất, đóng gói sản phẩm; không xác định được tổ chức, cá nhân thực hiện việc san chia, đóng gói tại Việt Nam và không rõ đã được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hay không (?!).

Theo lực lượng chức năng, hiện nay trên thị trường có nhiều tổ chức, cá nhân tại 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Trị đang thực hiện việc san chia, đóng gói bột ngọt nước ngoài, để bán cho tiểu thương tại các chợ, tạp hóa và siêu thị toàn quốc.

Cụ thể như sản phẩm "Bột ngọt Sakara" tại Hà Nội, trên bao bì ghi thông tin: Công ty chịu trách nhiệm sản phẩm là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại thực phẩm Nam Thắng, địa chỉ số 39T Phố Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội. Cơ sở đóng gói: Số nhà 8/10, ngõ 53 phố Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Các thông tin khác về ngày, tháng sản xuất, đóng gói không được thể hiện (?!).

Tại TP. Hồ Chí Minh có sản phẩm "Bột ngọt Meizan", một thương hiệu phổ biến những cũng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì. Trên bao bì sản phẩm và chỉ ghi thông tin: Đóng gói tại Việt Nam bởi: Công ty TNHH Thực phẩm quốc tế Nam Dương, địa chỉ lô C20a-3, đường số 14, Khu Công nghiệp Hiệp Phước, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Trên bao bì sản phẩm Bột ngọt “Meizan
Trên bao bì sản phẩm Bột ngọt “Meizan" không có dòng chữ ghi xuất xứ hàng hóa

Meizan là một nhãn hiệu khá phổ biến trong ngành dầu ăn, nhưng công ty này không phải là công ty trực tiếp sản xuất ra mỳ chính từ nguyên liệu ban đầu và mỳ chính Meizan cũng không được công bố rõ nguồn gốc, xuất xứ cho người tiêu dùng. Đặc biệt, mỳ chính san chia, sang chiết không rõ nguồn gốc xuất xứ của Meizan lại được bán trong những siêu thị lớn, như Co.opmart, Go!, Big C, Bách Hóa Xanh.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh thị trường gia vị, thực phẩm “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề chất lượng, xuất xứ sản phẩm trước khi mua, bởi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Theo TS.BS.Nguyễn Thị Hương Lan, Giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn:

“Mặt hàng thực phẩm, gia vị là những mặt hàng nhu yếu phẩm mà chúng ta ăn vào hằng ngày, nếu người tiêu dùng mua phải sản phẩm không uy tín, kém chất lượng để sử dụng, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Hiện nay, có không ít người tiêu dùng Việt lại chưa có thói quen kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trước khi mua. Tiêu thụ thực phẩm, gia vị không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm, hiểu rõ sản phẩm trước khi mua để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, gia vị”.

Không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, bột ngọt san chia, đóng gói không rõ nguồn gốc xuất xứ còn gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến các nhà sản xuất uy tín và môi trường đầu tư trong nước.

Nhãn hiệu bột ngọt Sela Tím vừa bị tạm giữ và niêm phong do vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Nhãn hiệu bột ngọt Sela Tím vừa bị tạm giữ và niêm phong do vi phạm quy định về  nhãn hàng hóa

Trước tình hình này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất chân chính.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 3, Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã kiểm tra, tạm giữ và lô bột ngọt nhãn hiệu Sela, của Công ty TNHH MTV Sela Tím, do hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn theo quy định của pháp luật.

Với hệ thống siêu thị uy tín và luôn đặt sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu, chuỗi siêu thị Go! đã tiên phong từ chối tiếp tục trưng bày và bán sản phẩm bột ngọt Meizan không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các siêu thị đầu tiên ngừng bán bột ngọt Meizan gồm có Big C Thăng Long, Go! Mê Linh, Go! Long Biên (Hà Nội), Go! Vinh (Nghệ An), Go! Đà Lạt (Lâm Đồng), Big C An Lạc (TP. Hồ Chí Minh)…

Khoản 1 Điều 10, Khoản 6 Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép.

Khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm yêu cầu đối với việc san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại:

Chỉ được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phụ gia thực phẩm trong trường hợp đã được tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về sản phẩm đồng ý bằng văn bản.

Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/04/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa: Sửa đổi, bổ sung Điều 15 “Điều 15.

Xuất xứ hàng hóa Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Nguyễn Kiên