Trung Quốc chính là quê hương của Ngày độc thân. Tuy nhiên, Ngày độc thân (11/11) không phải là một dịp lễ hội chính thức của quốc gia này mà là một lễ hội mang tính tự phát bắt nguồn từ giới trẻ.
Do sở hữu toàn số 1, ngày 11/11 được giới trẻ Trung Quốc dùng để “vinh danh” những người độc thân. Trong ngày 11/11, giới trẻ độc thân Trung Quốc sẽ tổ chức các hoạt động giải trí, những cuộc tụ tập, ăn uống, vui chơi, ca hát… để quên đi nỗi cô đơn lạc lõng của mình.
Ảnh minh họa
Ngày lễ độc thân 11/11 hàng năm đang dần trở thành ngày hội mua sắm riêng của các quốc gia Châu Á.
Nắm bắt xu hướng này, các trang thương mại điện tử mà nổi bật là Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã nâng tầm để biến 11/11 trở thành ngày hội mua sắm hàng năm tại Trung Quốc. Chỉ sau đó ít năm, 11/11 đã vượt qua Black Friday hay Cyber Monday để trở thành ngày hội mua sắm lớn nhất thế giới cả với 2 mảng thị trường online và offline.
Năm nay, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tới 158,31 tỷ nhân dân tệ (22,63 tỷ USD) chỉ trong 9 giờ đầu tiên của chương trình mua sắm Singles’ Day do Alibaba tổ chức ngày 11/11.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tăng trưởng nóng nhất thế giới về thương mại điện tử. Với xu hướng này, không ngạc nhiên khi cùng với Black Friday, Ngày độc thân (11/11) cũng đang trở thành dịp để các sàn thương mại điện tử tung ra các gói khuyến mại khủng nhằm kích cầu mua sắm.
Có thể nhận ra xu hướng này khi tất cả các trang thương mại điện tử từ Tiki, Shopee, Lazada, Sendo... đều có những đợt giảm giá sốc kết hợp với việc đổ tiền vào các chương trình truyền thông nhằm quảng bá cho ngày lễ độc thân. Điều này đã biến 11/11 dần trở thành một ngày hội mua sắm trực tuyến thực sự đối với người dân Việt Nam. Tuy vậy, người dùng cũng cần tỉnh táo để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo lợi dụng dịp này nhằm kiếm lợi.
Trường hợp mua sale ngày 11/11 gặp phải hàng giả là điều không hề hiếm gặp ngay cả khi đó là hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Hàng hóa trên sàn thương mại điện tử phần lớn do cá nhân, tổ chức nhỏ mở bán do đó, mỗi người bán có thể bán từ hàng chục đến hàng trăm sản phẩm khác nhau dẫn đến bộ phận kiểm duyệt sàn thương mại khó có thể quản lý 100%.
Đặc biệt, nhiều sạp hàng online còn đầu tư comment ảo, review ảo,... nhằm thu hút lòng tin của người tiêu dùng. Vì thế, mà rất nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả mà không hề hay biết. Ngay cả khi đã thông báo với các sàn thương mại việc giải quyết cũng rất mất thời gian, rắc rối. Thậm chí,nhiều món hàng giá trị thấp còn coi như mất trắng.
Do đó, dù ở bất kỳ đâu trong bất cứ sự kiện nào người tiêu dùng cũng đừng quá ham rẻ. Mức giảm khoảng 30% là mức tối đa mà người mua có thể chấp nhận được nếu không muốn mạo hiểm.
Có rất nhiều mặt hàng được giảm giá tưng bừng nhưng phần lớn là thương hiệu kém nổi tiếng, tiền nào của nấy. Do đó, người mua thường cẩn thận khi mua, kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa để tránh mất tiền nhưng không được việc.
Vương Hằng