THCL Trong khi vấn đề an sinh xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng trên cả nước còn chưa được chú trọng thì việc xây dựng các trụ sở hành chính, các tượng đài có mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Ảnh minh họa

Đầu tư tập trung: Chưa phải lúc

Hàng loạt công trình được đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng vẫn vắng vẻ, bỏ hoang... Trong khi NSNN ngày càng eo hẹp, những đề án nghìn tỷ vẫn tiếp tục được công bố?

ĐB QH Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận: “Khi QH nhắc đến chuyện tìm nguồn ngân sách để tăng lương cho CBCNV, câu chuyện về những công trình nghìn tỷ lại được nhắc đến. Một số địa phương đề xuất xây trung tâm hành chính công - lên đến cả nghìn tỷ đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của nhiều ĐB QH”.

Về việc ngân sách từ nay đến cuối năm chỉ còn 45.000 tỷ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Tuy không nắm rõ về ngân sách thực tế, nhưng có cơ sở để khẳng định nguồn vốn ngân sách còn lại là rất ít. Chính vì vậy, việc xét duyệt các dự án đầu tư trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt như hiện nay, cần cân nhắc kỹ càng”.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Ánh chia sẻ: Hàng năm, NSNN thâm hụt khoảng 5% GDP và nợ công đang ở mức xấp xỉ 65% GDP. Chính phủ đã tính tới biện pháp phát hành 3 tỷ USD để đảo nợ cũ. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư công từ năm 2011. Rõ ràng, việc đưa ra những dự án nghìn tỷ không chỉ gây bức xúc, mà còn gây sự khó hiểu đối với việc quản lý ngân sách nói chung và các hoạt động đầu tư công nói riêng.

Ông Nguyễn Đình Ánh phân tích: “Tất cả những dự án, kể cả dự án tượng đài, dự án các trung tâm hành chính công hay hàng loạt các dự án khác đều đã được phê duyệt về mặt chủ trương. Các dự án đang nằm ở khâu bố trí vốn và triển khai dự án nếu vốn đó được bảo đảm. Theo tôi được biết, chủ yếu nguồn vốn đó đều trông chờ phần lớn vào ngân sách Trung ương. Về chủ chương, không thể nói đầu tư đó là không đúng. Bởi vì, ngoài các mục tiêu phát triển kinh tế, chúng ta còn có nhiều mục tiêu phát triển khác như về xã hội, văn hóa… Vì vậy, thời điểm nào là thích hợp để có thể triển khai dự án. Vấn đề quan trọng là cần phải có một trật tự ưu tiên, công trình nào cần triển khai trước, công trình nào triển khai sau”…

Nên “xoáy” vào chất lượng cuộc sống

Trong số những dự án nghìn tỷ thì việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung ở các địa phương đang nổi lên. Việc xây dựng này - không phải là không cần thiết và không đúng quy trình. Tuy nhiên, trong lúc kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, tại các tỉnh nghèo, việc xây dựng các trụ sở bề thế - không phải là ưu tiên hàng đầu.

Tại trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng). Ban đầu, Đà Nẵng tính bán các trụ sở cũ để lấy ngân sách xây dựng, tuy nhiên, do không bán được nên trụ sở trung tâm hành chính chủ yếu được xây dựng hoàn toàn bằng tiền ngân sách. Đó là đối với những tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn. Song còn một số tỉnh, năm nào cũng phải xin trợ cấp của Trung ương, thậm chí xin trợ cấp cứu đói, nhưng vẫn “đòi” xây dựng trung tâm hành chính tập trung hoành tráng, kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Đối với một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa… còn nghèo, đông dân. Không có lý do gì phải xây dựng trụ sở hành chính hoành tráng. Cái cần bây giờ là hạ tầng đô thị, trường học, bệnh viện…, chứ chưa phải là các trụ sở”.

Ông Đàm Ngọc Nhiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết: “Không thể lấy lý do là cải cách thủ tục hành chính để chú trọng việc xây dựng các trụ sở mới được. Bởi vì, chất lượng của chính sách mới phụ thuộc vào đạo đức, năng lực của người cán bộ công chức. Bên cạnh đó, trong lúc đầu tư công đang giảm, cần xem xét giảm bớt việc xây dựng các trụ sở hành chính có mức đầu tư lớn và nên tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”.

Duy Thế  (Thương hiệu & Công luận)