(Ảnh minh họa)
Cứ mỗi dịp cuối năm, thị trường mua bán lại sôi động. Dừng chân tại bất kỳ siêu thị, đại lý nào vào thời điểm này đều có thể cảm nhận được sức nóng của các mặt hàng từ đồ gia dụng đến thực phẩm khô, thực phẩm tươi. Đặc biệt, dòng sản phẩm bánh kẹo Tết luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất từ người tiêu dùng. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2019 đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Thị trường bánh kẹo tại Việt Nam đang nóng hơn bao giờ hết khi có sự xuất hiện của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài. Người Việt có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại, nên doanh nghiệp Việt đang gặp không ít khó khăn khi cạnh tranh trên sân nhà. Tuy nhiên, thời gian qua sản phẩm Việt đang nỗ lưc thay đổi để chiếm tình cảm của người tiêu dùng.
Ngày nay thị hiếu, khẩu vị và thói quen tiêu dùng của khách hàng không chỉ là "ăn chơi" mà còn phải là ăn sạch, ăn tinh túy, ăn vì dinh dưỡng, vì sức khỏe nhiều hơn. Vì vậy các doanh nghiệp đều tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau cho từng phân khúc thị trường.
Trong những năm gần đây người tiêu dùng Việt cũng khá chuộng loại bánh kẹo từ Thái Lan, Hàn Quốc vì mẫu mã bắt mắt, khẩu vị lạ. Trong khi đó, dù có giá trị nhập ít hơn nhưng bánh kẹo Trung Quốc có lượng nhập về Việt Nam nhiều hơn cả vì hầu hết bánh kẹo Trung Quốc bán theo lô (nhập bán theo cân - kg) giá rẻ nhưng lượng lớn.
Tổng giá trị nhập mặt hàng bánh kẹo của ba thị trường trên đạt gần 94 triệu USD, chiếm gần 30% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Thực tế này chứng minh cho xu hướng hội nhập và đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng làm lộ điểm yếu cố hữu của hoa quả và bánh kẹo Việt như: mẫu mã sơ sài, thương hiệu kém, khẩu vị đơn điệu và đặc biệt những sản phẩm độc lạ của quê hương đã, đang và sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt ngay chính sân nhà.
Hằng Vương (t/h)