Trong thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình kinh tế khó khăn trong thời gian dịch bệnh và khách hàng đang ở trong khu vực phong tỏa có nhu cầu giao dịch trực tuyến tăng cao nhằm tiếp cận khách hàng, sau đó đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tiền trong tài khoản thẻ cũng như gây tổn hại tới uy tín ngân hàng.
Với mục đích nâng cao cảnh giác với các hình thức lừa đảo hiện nay, Ngân hàng Quốc tế (VIB) thông tin đến khách hàng cách nhận diện các phương thức lừa đảo mới cùng một số nội dung khuyến cáo để giao dịch thẻ an toàn.
Các hình thức lừa đảo phổ biến
Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi đến khách hàng để xác minh tài khoản, kiểm tra số dư hoặc giao dịch. Đồng thời yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật như số thẻ, mã OTP…, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng), thông báo tài khoản khách hàng phát sinh giao dịch bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, cung cấp mật khẩu… thông qua đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn.
Đối tượng lập trang web/mạng xã hội mạo danh thương hiệu ngân hàng; hoặc dùng điện thoại cá nhân thông qua chat (Zalo) giả danh nhân viên quản lý khách hàng, để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mục đích đối tượng nhằm chiếm lòng tin, sau đó thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.
Đối tượng liên hệ chào mời dịch vụ ứng tiền thẻ tín dụng với mức phí ưu đãi và yêu cầu khách hàng cung cấp: hình chụp mặt trước và mặt sau của Thẻ và Chứng minh nhân dân, mã OTP gửi đến số điện thoại và dùng OTP để hoàn tất giao dịch trực tuyến không được phép của Chủ thẻ. Sau khi thanh toán thành công, khách hàng nhận được số tiền chuyển khoản đến tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, số tiền thực nhận ít hơn nhiều so với số tiền đã bị ghi nợ trên thẻ trước đó.
Đối tượng giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng gửi thư điện tử chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch, động viên thăm hỏi… Sau đó, hướng dẫn khách hàng truy cập vào các đường dẫn, mã nhúng gửi kèm trong tin nhắn để có thể đăng ký tiêm vaccine, nhận hỗ trợ tài chính, y tế từ Chính phủ, qua đó chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản Ngân hàng của khách hàng.
Đối tượng mạo danh nhân viên công ty viễn thông yêu cầu khách hàng nâng cấp sim đang sử dụng lên sim 4G, chuyển đổi nhà mạng để nhận được ưu đãi lớn… Sau đó chiếm đoạt sim và từng bước chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và rút tiền trong tài khoản.
Cách phòng tránh các hình thức lừa đảo
Không cung cấp thông tin/hình ảnh có thông tin thẻ bao gồm: số thẻ, mã PIN thẻ, CVC2/ CVV2 (03 số mặt sau thẻ), ngày hết hạn, mã OTP… cho bất kỳ ai khác, kể cả nhân viên ngân hàng.
Cẩn thận khi truy cập các đường dẫn được gửi từ tin nhắn/thư điện tử kể cả trường hợp mang thương hiệu ngân hàng để tránh truy cập đường dẫn giả mạo từ tin nhắn/thư điện tử mạo danh ngân hàng.
Lưu ý không cung cấp thông tin khi nhận các cuộc gọi từ điện thoại cá nhân tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng. Trong trường hợp cần liên hệ với Chủ thẻ, VIB cam kết chỉ sử dụng các số điện thoại sau: 028.628.77799, 028.730.62222
Khóa chức năng thanh toán online trên ứng dụng MyVIB khi không có nhu cầu thanh toán trực tuyến.
Cập nhật email/số điện thoại để nhận cảnh báo thông tin giao dịch kịp thời. Thường xuyên thay đổi PIN, mật khẩu và tuyệt đối không lưu lại thông tin tài khoản/thẻ trên các trình duyệt khi giao dịch. Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Che bàn phím khi nhập PIN trong quá trình giao dịch tại ATM, POS và các thiết bị thanh toán thẻ khác.
Trong trường hợp Quý khách đã cung cấp thông tin thẻ cho đối tượng tội phạm hoặc phát hiện giao dịch bất thường, Quý khách truy cập MyVIB hoặc liên hệ với VIB qua Hotline 1800 8195 để khóa thẻ ngay lập tức và thay thế thẻ đảm bảo an toàn.
Việt Anh