Thủ đoạn của các đối tượng là trộn ma túy trong bánh, kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử và thiết kế với bao bì bắt mắt, hương vị thu hút để dễ dàng tiếp cận giới trẻ.
Phần lớn các đối tượng trao đổi, mua bán qua các nhóm kín, mạng xã hội nước ngoài; sử dụng các đơn vị trung gian như Grab, Bee, Gojek… để vận chuyển gây khó khăn cho công tác phát hiện và điều tra. Các loại ma túy này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể xuất hiện hiện tượng co giật, hôn mê. Thậm chí, trường hợp nặng người dùng sẽ tử vong.
Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, cập nhật và theo dõi các thông tin về tác hại ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới), phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để nhận biết, phòng ngừa. Các bậc phụ huynh nên quan tâm, giáo dục, khuyến cáo con em không tham gia tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử, các dạng thực phẩm chức năng, thuốc kích thích tinh thần không rõ nguồn gốc…
Cùng với đó là thường xuyên quan tâm, sớm phát hiện các biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn nếu thấy các em có sử dụng thực phẩm, chất kích thích không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Đồng thời, các dịch vụ kinh doanh tuyệt đối không được tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại thực phẩm, thuốc lá điện tử, thuốc kích thích (có thể là ma túy núp bóng) trôi nổi không rõ nguồn gốc… dễ gây nhầm lẫn cho người dân khi mua, sử dụng như thực phẩm thông thường.
Trong năm 2023, lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá hơn 2.200 vụ, với hơn 4.900 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tăng 955 vụ và tăng 858 đối tượng so với năm 2022.
Quý I/2024, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 813 vụ, với hơn 2.000 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Cơ quan điều tra đã khởi tố 671 vụ, với 1.202 bị can; xử lý hành chính 125 vụ, với 800 đối tượng; thu giữ hơn 15kg heroin, hơn 64kg cần sa và gần 249kg ma túy khác các loại...
Hoàng Bách (t/h)