F3WORLD giới thiệu, mời gọi người tham gia vào hệ thống trên kênh Youtube.
F3WORLD giới thiệu, mời gọi người tham gia vào hệ thống trên kênh Youtube

Kinh doanh đa cấp là phương thức bán hàng đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận, được quản lý, giám sát bởi Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, bên cạnh hơn 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép, hiện nay, nhiều hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo, đơn vị này nhận thấy một số cá nhân, tổ chức có tên RF3WORLD thông qua các website có tên lạ như: Firmax3vn.com.vn, Rf3vietnam.com... để kêu gọi đầu tư, kinh doanh mua bán hàng hóa có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Bên cạnh đó, có dấu hiệu cho thấy các đối tượng liên quan tổ chức các chương trình trực tuyến nhằm giới thiệu, mời gọi thêm các thành viên tham gia với mục đích phát triển hệ thống để được hưởng hoa hồng, lợi ích kinh tế theo mô hình đa cấp. Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khẳng định chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp, tổ chức nào có tên RF3WORLD.

Cơ quan quản lý cho biết, theo quy định, các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự với mức phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017). Do đó, ủy ban cảnh báo người dân không tham gia vào các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép nêu trên để hạn chế các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Bên cạnh đó, mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, song tình trạng một số tổ chức núp bóng hội thảo, hội nghị giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tặng quà khuyến mại để lừa đảo bán hàng kém chất lượng, hàng giá cao cho người dân vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, tại nhiều địa bàn nông thôn, miền núi, các đối tượng là người già, phụ nữ hoặc những người dân ít hiểu biết đã “dính bẫy” bán hàng khuyến mại khiến mua phải hàng hóa giá cao mà chất lượng không được như mong muốn.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, những biểu hiện của kinh doanh đa cấp biến tướng là: không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia. Người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới...

Để bảo vệ mình, người dân cần nhận diện rõ những dấu hiệu kinh doanh đa cấp bất chính; cẩn trọng khi tham gia chương trình hội thảo, giới thiệu sản phẩm có bán hàng; tỉnh táo, xem xét, tìm hiểu kỹ khi được mời chào tham gia các hình thức kinh doanh mới, tránh gặp phải những rủi ro có thể xảy ra.

Theo thống kê, hiện tại cả nước có 20 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp. Năm 2022, đã có 2 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam là Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế và Công ty TNHH Homeway Việt Nam. Hai doanh nghiệp này đều bị Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp do phát hiện các vi phạm nghiêm trọng trong chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Cũng trong năm 2022, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam; phạt 235 triệu đồng đối với Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam; phạt 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam; phạt 85 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt; phạt 350 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam.

An Dương