Hiện nay, thương mại điện tử phát triển, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc… lừa đảo người tiêu dùng. Thủ đoạn của các đối tượng này là lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh thực tế để tạo lòng tin với khách hàng.
Tiếp đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại di động nhưng có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thông tin như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho".
Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Chúng sẽ sử dụng các mạng xã hội như: Zalo, Facebook để liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến.
Mục đích của việc này là hướng khách hàng không thông qua sàn thương mại điện tử với mức giá thấp hơn giá đang niêm yết. Sau khi bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi sản phẩm không có giá trị cho khách hàng.
Các đối tượng còn cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển đến địa chỉ người mua sau đó tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các vật phẩm không có giá trị.
Một số khách hàng sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng do tâm lý chủ quan đặt mua sản phẩm trên sàn thương mại điện tử nên vẫn tiến hành thanh toán bình thường.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có những vụ việc xảy ra không chỉ ở Hà Nội, đối tượng sản xuất ở tỉnh bên cạnh, đưa lên mạng xã hội để bán và mạng xã hội là kênh tiêu thụ cũng như luân chuyển hàng hóa.
“Nhìn tổng thể công tác kiểm tra giám sát có sự chỉ đạo xuyên suốt từ Tổng cục mới đấu tranh được vi phạm trên nền tảng TMĐT, vì lĩnh vực này không có địa giới, không có giới hạn về lãnh thổ về phạm vi. Chúng tôi căn cứ vào những kênh phân phối, chào hàng trên mạng để có biện pháp nghiệp vụ vì suy cho cùng kinh doanh trên mạng vẫn có thanh toán, có hàng nhập về, có hàng chuyển tới tay người tiêu dùng…”, ông Nghĩa cho biết.
Theo Tổng cục QLTT, một thủ đoạn gian lận trên TMĐT mà thời gian qua nổi lên, đó là đối tượng lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn TMĐT, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng. Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, kèm thêm thông tin như giảm giá, thanh lý…
Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng được lựa chọn thuộc loại có giá trị cao, nhỏ gọn, hàng thương hiệu như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn TMĐT cung cấp thông tin cá nhân của người mua.
Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như: Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn TMĐT. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.
Theo Thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2022, lực lượng QLTT phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục QLTT cho rằng, để có thể xoá bỏ triệt để hành vi này cần phải kết hợp với nhiều nhóm giải pháp khác nhau. Trong đó có sự chỉ đạo và phối hợp xuyên suốt từ Chính phủ đến các Bộ, ngành.
Đồng thời, cần tuyên truyền, giáo dục ý thức của các DN không sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và nói không với hành vi sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Cần áp dụng khoa học công nghệ trong việc phòng, chống hàng giả hàng kém chất lượng để lực lượng chức năng xác định được nguồn gốc xuất xứ, đường đi của sản phẩm. Quá trình hình thành sản phẩm cần minh bạch mới phân biệt được đâu là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng thật, hàng chất lượng tốt, hàng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”, ông Lê nhấn mạnh.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động TMĐT, năm 2023, Tổng cục QLTT ký cam kết với các sàn TMĐT để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đưa lên sàn các sản phẩm nhập lậu, hàng giả.
Bà Vũ Thị Minh Ngọc, Quyền Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương để nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xây dựng cơ chế chính sách điều phối giữa các lực lượng chức năng, để lực lượng QLTT lấy các cơ sở pháp lý, bằng chứng đó để có thể xử lý vi phạm trên môi trường TMĐT.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước sớm có quy định về nhận diện xử lý quảng cáo không đúng sự thật, cũng như quảng cáo có dấu hiệu lừa đảo nhằm trục lợi trên thương mại điện tử.
Lê Pháp (T/h)