Nhiều thách thức trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường điện tử

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, mặc dù công tác đấu tranh, truy quét hàng vi phạm đã đạt được những kết quả  song việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch (thương mại điện tử) TMĐT, hàng hóa giao dịch còn đang gặp nhiều khó khăn. Bởi hầu hết các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình; không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Thậm chí, có những đối tượng duy trì thường trực hàng trăm tài khoản trên các sàn giao dịch TMĐT để ngay lập tức có thể thay đổi khi bị phát hiện. Một số đối tượng lập các website TMĐT, mạng xã hội với nội dung thông tin y hệt các website, địa chỉ của các cơ sở có uy tín khác khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng chưa nâng cao ý thức trong hoạt động mua bán thực phẩm, ý thức tố giác tội phạm còn e dè đã nhiều khi tiếp tay cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đúng theo quy định của pháp luật.

Vì thế, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh chỉ rõ, đây cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng gặp không ít khó khăn, do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” này không đơn giản.

Cần kiểm tra, xử lý "nặng" hơn trênthương mại điện tử

Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn nội địa; xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa hoặc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các trang thông tin điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng thực trạng, kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử…

Với sự chỉ đạo sát sao Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thông qua Kế hoạch 92/KH-BCĐ389, công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc trên môi trường thương mại điện tử sẽ hiệu quả cao hơn, sự tăng cường phối hợp giữa các đơn vị chức năng, giúp người tiêu dùng trong việc chủ động trang bị các kỹ năng mua hàng trên mạng.

Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023

Với 75% người dân sử dụng internet, Việt Nam có 74,8% người người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Điện thoại di động tiếp tục là phương tiện chủ yếu thường được người tiêu dùng sử dụng để đặt hàng trực tuyến (chiếm 91%).

Mức tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam được các hãng dự báo tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ hai sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử cũng đang diễn ra hết sức phức tạp. Tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại và chống thất thu thuế trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, Cục đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội.

Lê Pháp (T/h)