Ảnh minh hoạ (nguồn internet).
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Qua công tác điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự thấy hiện nay nổi lên một số thủ đoạn phạm tội như sau:

Lợi dụng nhu cầu vay vốn của bị hại, đối tượng thoả thuận với bị hại lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra ký hợp đồng vay thế chấp, tuy nhiên lại đưa cho bị hại ký hợp đồng chuyển nhượng (có thể ký khống vào giấy trắng hoặc ký hợp đồng có nội dung khi bị hại không đọc kỹ) sau đó chuyển nhượng sang tên người khác nhằm chiếm đoạt tài sản;

Đối tượng thoả thuận với bị hại, lập vi bằng sang tên thửa đất cho đối tượng để vay tiền hộ, sau đó đối tượng làm hồ sơ vay tiền ngân hàng với số tiền lớn hơn thoả thuận và tương đương giá trị thửa đất rồi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Để nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân và hạn chế tội phạm lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn nêu trên, Phòng Cảnh sát hình sự cảnh báo quần chúng Nhân dân một số nội dung sau:

Nắm được các thủ đoạn phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã nêu trên và đề cao cảnh giác trong mọi giao dịch dân sự, tránh để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản.

Trong mọi giao dịch dân sự, nhất là các giao dịch liên quan đến vay thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần đọc kỹ nội dung phân biệt rõ giữa chuyển nhượng và thế chấp quyền sử dụng đất cũng như hệ quả của việc ký kết hợp đồng, khi cần thiết thì nên tham vấn cơ quan, cá nhân có chuyên môn các cấp trong việc ký kết các hợp đồng, tránh việc bị lợi dụng lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong mọi trường hợp, các giao dịch dân sự cần thực hiện đúng theo Bộ Luật dân sự một cách công khai, minh bạch và mô tả đúng thực chất giao dịch dân sự đang thực hiện, không nên lấy giao dịch dân sự này để che giấu cho giao dịch dân sự khác tránh để các đối tượng lợi dụng lồng ghép các nội dung nhằm chiếm đoạt tài sản.

PV