Theo phản ánh của người dân, dòng sông Mỏ Nhát, thuộc khu vực phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) đang trở thành đại công trường của nạn cát tặc. Những hố sâu khoảng 15 - 20m dưới đáy sông do khối lượng cát bị hút trộm lớn tạo thành. Việc khai thác cát trộm tại khu vực này không chỉ xâm phạm trực tiếp nguồn tài nguyên, gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông, mà còn đe dọa đến sự an toàn của đường ống dẫn khí đi ngầm dưới lòng sông Mỏ Nhát.
Mới đây vào ngày 16/2, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) vừa phát hiện, bắt quả tang 3 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Mỏ Nhát, thuộc khu vực phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ.
Được biết sau sau nhiều thời gian theo dõi, mật phục tại sông Mỏ Nhát, khu vực thuộc phường Phước Hòa, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BRVT, lực lượng Phòng phòng chống ma túy và tội phạm, Biên phòng BRVT chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Bến Đá và Đồn Biên phòng Long Sơn đã phát hiện, bắt quả tang 2 phương tiện mang số hiệu BV 1332 do ông Trần Văn Kiềm (SN 1985, Tân Thành, Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng và phương tiện mang số hiệu SG 7205 do ông Huỳnh Hồng Chân (SN 1973, Tân Chánh, Cần Đước, Long An) là chủ phương tiện kiêm thuyền trưởng đã thực hiện hành vi bơm hút cát lên sà lan BV 1646 do ông Lê Văn Tươi (SN 1980, trú tại Long Hựu Tây, Cần Đước, Long An) làm thuyền trưởng. Tổng số cát nhiễm mặn trên 3 phương tiện là hơn 40m3.
Gần 40 m3 cát trên 3 phương tiện được thu giữ phục vụ điều tra (Ảnh VOV)
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã yêu cầu các thuyền trưởng đưa 3 phương tiện về cảng Đức Hạnh (thị xã Phú Mỹ) để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước tình trạng khai thác cát sỏi tràn lan, Bộ TN&MT đang phối hợp, khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định quản lý khai thác cát sỏi lòng sông.
Ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và Cục Quản lý tài nguyên nước đã tích cực phối hợp chặt chẽ, tổng hợp, nghiên cứu các ý kiến của thành viên Chính phủ để hoàn thành dự thảo. Đến nay đã nhận được 100% (24/24) phiếu của các thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua đối với toàn bộ nội dung Dự thảo, trong đó có 5 ý kiến tham gia bổ sung.
Nghị định quản lý cát sỏi lòng sông là một nghị định riêng để quản lý các hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông, cửa biển), từ khâu lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông theo quy định của pháp luật về tài khoáng sản.
Nghị định cũng nhằm mục đích bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, đồng thời thống nhất nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông, bao gồm cả hoạt động tàng trữ, mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Nghị định được áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước; các cơ quan khác có liên quan đến công tác quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; khai thác khoáng sản khác trên sông.
Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về quản lý cát, sỏi lòng sông. Trong đó đưa ra các quy định về quy hoạch sử dụng tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông; thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; quy định về tập kết mua bán, vận chuyển cát, sỏi lòng sông. Dự thảo cũng quy định các nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó có thẩm quyền chấp thuận đối với các hoạt động liên quan. Đặc biệt dự thảo quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các Bộ, ngành liên quan; Quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố có chung gianh giới là các dòng sông cũng như trách nhiệm đứng đầu của Ủy ban nhân dân các cấp.
Hải Đăng