Chuyên gia kiểm định độc lập vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy cho biết, dù chưa có kết quả cuối cùng nhưng về sơ bộ, vết nứt này không quá đáng lo.

Diễn biến tiếp theo của vấn đề trụ H22 của cầu Vĩnh Tuy phát hiện vết nứt dọc có độ dài 10m. Trao đổi với phóng viên chiều 17/3/2014, chuyên gia Nguyễn Tuần Bình, thuộc đoàn kiểm tra độc lập của công ty Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học GTVT) cho biết:

“Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiến hành công tác kiểm định. Những thao tác ngoài hiện trường đã tiến hành xong và mẫu vật cũng đã được gửi đi thử nghiệm tại các phòng thí nghiệm. Sau bước này sẽ tổng hợp lại những chỉ số và đưa ra kết quả cuối cùng”.

Chia sẻ về những trang thiết bị được áp dụng, ông Bình cho rằng thiết bị của các phòng thí nghiệm, kiểm định của Đại học Giao thông vận tải hoàn toàn đủ điều kiện để kiểm định, không cần phải thuê những chuyên gia hay trang thiết bị từ bên ngoài.

Ông Nguyễn Tuấn Bình cho biết thêm: “Chúng tôi không có một hạn định nào cho việc hoàn thành công việc này từ phía Cục kiểm định chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cũng như Sở GTVT Hà Nội. Anh em chỉ cố gắng hoàn thành công việc, đưa ra đánh giá chính xác nhất, khách quan nhất về vết nứt này.”

Khoan bê tông để kiểm tra lõi thép trụ cầu bằng mắt thường

Khi được hỏi về kết quả kiểm định cũng như nguyên nhân dẫn đến vết nứt, đại diện cho đơn vị kiểm định độc lập, chuyên gia Nguyễn Tuấn Bình cho biết:

“Hiện tại khi chưa có kết quả cuối cùng thì tôi không thể tiết lộ gì thêm về nguyên nhân hay phương pháp khắc phục. Mọi kết quả nói ra lúc này đều là quá sớm và thiếu chi tiết. Tuy nhiên, về kết quả ban đầu, đây là một vết nứt bình thường, không đến mức quá đáng lo như vậy.”

Như vậy, theo thông tin về kết quả ban đầu của việc kiểm định vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy của chuyên gia Nguyễn Tuấn Bình, sự “không đáng lo ngại” tương đồng với bản báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, cũng như Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (đơn vị thiết kế cầu) trình lên Bộ Xây dựng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội đã từng trả lời với PV, nhận định rằng những vết nứt này không quá đáng ngại.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đến thị sát vết nứt cầu Vĩnh Tuy

“Những vết nứt này không có dấu hiệu gì đáng ngại, không có vấn đề gì. Bởi lẽ những trụ cầu bê tông khối lớn khi đổ việc bị nứt là có khả năng cao, đó là khi mình đổ bê tông, rồi bê tông co ngót, nên có thể phát sinh những vết nứt như vậy. Thời gian đầu, những vết nứt này đã xuất hiện rồi nhưng không để ý, theo thời gian ngày càng lộ ra. Ngoài ra, theo tổi chẳng còn lý do nào khác. Vẫn cần phải theo dõi những vết nứt này, tuy nhiên, khả năng những vết nứt này tiếp tục to ra là gần như không còn.” – PGS.TS Nguyễn Quang Toản cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ xây dựng) trả lời trên báo chí, cho rằng, vết nứt dọc trụ cầu dạng trụ bê tông rỗng thế này là biểu hiện bất thường. Cần phải theo dõi và kiểm định rất kỹ lưỡng.

Về nhiệm vụ của đội kiểm định độc lập, ngày 26/2/2014, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sau khi thị sát trụ cầu Vĩnh Tuy đã chỉ đạo:

“Phải thuê một tư vấn độc lập để đánh giá lại nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến vết nứt này. Phải kết luận được có đảm bảo an toàn hay không và phải kết luận được tuổi thọ của công trình”.

Theo ĐV