Sự việc xảy ra vào ngày 12/9/2018, khi một người dân trên địa bàn cung cấp đoạn băng ghi hình thể hiện cảnh một nhóm đào bới xung quanh cây gỗ giáng hương.
Trong nhóm này xuất hiện một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ rừng vòng tay ôm lấy thân cây như muốn khoe kích thước to lớn của cây.
Ngoài ra, còn có một người đàn ông đứng tuổi (trong nhóm đào gốc cây) đang nghe điện thoại, miệng nói to… “anh nói chuyện với mấy em kiểm lâm nè (!?)”.
Khu đất có cây giáng hương thuộc đất lâm nghiệp bị người dân bao chiếm từ khá lâu, đất hiện đã được ký hợp đồng trồng rừng với người đàn ông có tên Năm Quốc.
Cây gỗ quý trước khi bị bứng đi
Mặc dù vậy, cây giáng hương vẫn được xem là cây rừng, người dân muốn xử lý cây phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Được biết, gỗ giáng hương là loại gỗ quý gỗ thuộc nhóm 1. Gỗ giáng hương có thân gỗ màu đỏ tươi tự nhiên hơn, vân gỗ thì có hình dạng thẳng nhìn cực kì sang trọng.
Loại gỗ này rất đẹp và có mùi hương đặc trưng trong quá trình sử dụng. Ngoài đóng đồ nội thất ra cây gỗ hương còn có giá trị kinh tế rất cao.
Sáng ngày 17/9/2018, trao đổi với truyền thông về việc cây gỗ quý giáng hương tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng bị một nhóm đối tượng bứng trộm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết, đang huy động lực lượng đi khắp nơi để tìm kiếm.
"Chúng tôi cử lực lượng đến cả Bình Dương, các tỉnh Tây Nguyên để tìm kiếm nhưng cho đến thời điểm này chưa có kết quả. Người ta bứng trộm cây gỗ hương này về trồng chứ không phải để bán. Có lẽ sau khi sự việc xảy ra, báo chí đưa tin nên các đối tượng đang tìm cách xóa dấu vết của cây này" - ông Mai Văn Thới - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cho biết.
Ngày 17/2/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho biết, vụ cây gỗ giáng hương bị đào trộm xảy ra tại hồ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu, Tây Ninh) mà báo Tiền Phong đã phản ánh đến nay cơ quan chức năng đã có kết luận.
Nhiều cán bộ có liên quan bị xử lý khiển trách, phê bình
Sau khi có kết luận điều tra, UBND tỉnh đã gửi công văn chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Theo đó, Sở NN - PTNT tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định xử lý đối với ông Nguyễn Văn Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và ông Lê Văn Hải, Phó Hạt trưởng Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng bằng hình thức khiển trách. Liên quan đến vụ việc, bà Trần Thị Ngân Hà, Giám đốc Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và ông Huỳnh Văn Đáng, Hạt trưởng, hạt Kiểm lâm Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cũng bị nghiêm khắc phê bình do có nhiều sơ hở, thiếu sót trong việc lập, kiểm tra hồ sơ quản lý lâm sản.
Dư luận cho rằng, cây gỗ hương to lớn, có tuổi đời cả trăm năm nên việc bứng trộm khó có thể diễn ra nếu không có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Trong khi đó, cán bộ có liên quan thì chỉ chịu mức án khiển trách, phê bình.
Hải Đăng