Hành trình trên những chuyến xe khách hay ngồi quán nước vỉa hè ở Thủ đô Hà Nội, chúng tôi vẫn gặp những người dân từ các tỉnh miền trung "lặn lội" ra Thủ đô kiến nghị cơ quan cấp trên chỉ đạo, đôn đốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người sở hữu được thực hiện quyền tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp tài sản, nhất là điều chỉnh, xác nhận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư có nguồn gốc sở hữu trước từ năm 1980 về trước.
Theo phản ánh của hộ dân gặp “trục trặc” hoặc “thuận lợi”, họ vẫn chi phí không chính thức ít thì 5 triệu đồng, nhiều thì vài chục triệu đồng để được cấp mới, điều chỉnh, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Báo cáo kết quả khảo sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào cuối tháng 5/2022 về tình hình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho thấy: Giai đoạn 2018-2021 cơ quan chức năng giải quyết chậm 7.416 hồ sơ về đất đai, có hồ sơ trả lại đến 3 lần. “Một số công chức, viên chức có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực” được chỉ ra trong dòng cuối cùng 6 nguyên nhân chủ quan đề cập.
Khảo sát, đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện năm 2022 do Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa chủ trì thực hiện cho thấy, mức độ đánh giá không tích cực của doanh nghiệp về các khía cạnh tiếp cận đất đai ở nhiều địa phương có xu hướng tăng.
Cụ thể, trung bình toàn tỉnh chỉ có gần 59% doanh nghiệp đánh giá công tác xác định nguồn gốc đất của địa phương là nhanh chóng (ở đơn vị thấp nhất, tỷ lệ này chỉ đạt gần 41%).
Doanh nghiệp phản ánh các thủ tục hành chính đăng ký đất đai còn có hiện tượng nhũng nhiễu và cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực đất đai cần nâng cao trình độ nghiệp vụ, kịp thời báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Tại phiên họp thường kỳ Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tháng 5/2023, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi thẳng thắn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân quá chậm.
Các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện, thị, thành phố thuộc Văn phòng đăng ký đất đai một cấp trực thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường rất có vấn đề, gây khó khăn nên mỗi chủ thể để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi phí không chính thức từ 5 triệu đồng, 20 triệu đồng, 30 triệu đồng..., tùy theo mỗi bộ hồ sơ.
Nếu không chủ động chấn chỉnh sớm, sẽ mất nhiều cán bộ, viên chức, làm xói mòn, khủng khoảng niềm tin về nền hành chính phục vụ, vì dân.
PV (Theo nhandan.vn)