Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ vừa ký văn bản số 2706/UBND-KTN về việc chấn chỉnh hoạt động san gạt, hạ cốt nền, khai thác đất đồi trên địa bàn huyện Thanh Thủy nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung.
Theo đó, để bảo vệ khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sán trái phép, chấn chỉnh hoạt động san, hạ cốt nền bảo đảm đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu: UBND các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng chấp thuận cho san gạt mặt bằng hạ cốt nền đối với hộ gia đình, cá nhân, hạ cốt nền đối với đất sản xuất đất vườn đã được giao;
Chấn chỉnh việc lợi dụng việc san gạt, hạ cốt nền... để khai thác đất và khoáng sản
Kiểm tra việc chấp hành theo quy định của pháp luật đối với những khu vực đã dược chấp thuận cho san gạt hạ cốt nền trên địa bàn để xử lý. Rà soát, đánh giá nhu cầu sử dụng đất để san lấp, đắp nền phục vụ các dự án công trình xây dựng hạ tầng đã và đang thực hiện trên địa bàn huyện, thành phố và thị xã;
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất báo cáo UBND tỉnh việc quản lý, khai thác đất đắp nền trên địa bản tỉnh Phú Thọ để đáp ứng được yêu cầu lấy đất san nền cho các dự án trên địa bàn tỉnh và bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật;
Hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công của các dự án công trình xây dựng có nhu cầu khai thác đất đắp nền công trình lập hồ sơ gửi UBND tỉnh để xem xét quy hoạch và cấp giấy phép khai thác đất đắp nền công trình theo quy định.
Việc phát sinh khối lượng vật liệu (đất đồi, các loại khoáng sản khác...) do cải tạo đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đất sản xuất, đất vườn, đất ở UBND cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Khoáng sản năm 2010;
Công an tỉnh tăng cường công tác nắm tình hình, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc cho phép san, hạ cốt nền để khai thác đất phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng và các loại khoáng sản khác.
Hoan Nguyễn