Thường xuyên xuất siêu trái cây nhưng mỗi năm Việt Nam cũng chi tới hàng trăm triệu USD để NK mặt hàng này. Điều đáng bàn là khâu kiểm soát chất lượng trái cây NK hiện đang tồn tại vô số yếu kém, bất cập khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng.
Hiện người tiêu dùng nghi ngờ cả chất lượng hoa quả NK bán trong siêu thị lớn. Ảnh: Trần Việt.
Nhập nhèm nguồn gốc
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, giá trị NK trái cây của Việt Nam đạt 823 triệu USD. Các thị trường Việt Nam NK nhiều nhất lần lượt là Thái Lan 89 triệu USD, Ghana 80 triệu USD..., Trung Quốc (đứng vị trí thứ 6 trong các thị trường NK chính), đạt 50 triệu USD.
8 tháng đầu năm 2014, giá trị NK mặt hàng này đạt 624 triệu USD, Trung Quốc xếp vị trí thứ 9 trong các thị trường NK chính với 20 triệu USD.
Số liệu NK chính ngạch được thể hiện như ở trên, nhưng thực tế kim ngạch NK trái cây từ Trung Quốc lớn hơn nhiều và phần trội thêm là từ nguồn NK tiểu ngạch, qua các đường mòn, lối mở biên giới. Là một đất nước nông nghiệp với những điều kiện thuận lợi cho sản xuất trái cây, vì sao hàng năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để NK mặt hàng này?
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, về khách quan, việc NK một số loại trái cây ôn đới như táo, lê, nho... là cần thiết do năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế. Về chủ quan, năng lực sản xuất ở nước ta còn rải rác, nhỏ lẻ, năng suất thấp, mới đạt trên 1 triệu tấn/năm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng trái cây trong nước không đồng đều, hệ thống phân phối cũng như bảo quản sau thu hoạch còn yếu...
Theo ông Vũ Vinh Phú, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng trái cây NK chưa đảm bảo, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Trên thị trường từ siêu thị lớn tới tận ngõ chợ, đâu đâu cũng ngập tràn trái cây NK với đủ nhãn mác như táo Mỹ, nho Mỹ, nho Nam Phi, cam Úc, mận Úc, lê Hàn Quốc.... Tuy nhiên, tỷ lệ không nhỏ trong số đó là “nhập nhèm” về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
Theo quan sát của phóng viên, nhiều mặt hàng trái cây được dán nhãn mác giống nhau trong khi giá bán chênh lệch lớn. Ví dụ, nho đỏ Mỹ không hạt, tại chuỗi cửa hàng Clever Food có giá bán 299.000 đồng/kg, trong khi một số cửa hàng khác chỉ bán khoảng 160.000 đồng/kg. Ở nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội, người bán cũng khẳng định bán nho đỏ Mỹ không hạt nhưng giá lại rẻ bất ngờ, chỉ dưới 100.000 đồng/kg (?). Tương tự, cam Úc, tại Clever Food bán 300.000 đồng/kg, nhưng hệ thống cửa hàng Luôn Tươi Sạch chỉ bán khoảng 200.000 đồng/kg (?).
Quản lý chất lượng - đang làm từ ngọn?
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), nhiều năm qua, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm các loại hoa quả NK được tiến hành chặt chẽ. Tại cửa khẩu, nơi các lô hàng hoa quả được nhập vào Việt Nam, đối với những lô hàng kiểm tra thông thường (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa), các đơn vị Kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra hồ sơ, nguồn gốc xuất xứ, cách đóng gói của các loại hoa quả, kiểm tra ngoại quan.
Nếu kết quả đạt yêu cầu thì cơ quan Kiểm dịch sẽ lấy mẫu để kiểm tra nhanh và cho thông quan. Đối với những lô hàng phải áp dụng phương pháp kiểm tra chặt (thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện một lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm; tần suất 100% khi phát hiện hai lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm) thì phải chờ có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu mới cho thông quan.
Cơ quan quản lý giải thích như vậy, nhưng TS. Nguyễn Văn Hào- Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam lại có cái nhìn khác. TS. Nguyễn Văn Hào cho rằng, việc kiểm soát chất lượng trái cây NK còn nhiều vấn đề phải bàn bởi cơ quan chức năng chỉ lấy lượng mẫu ngẫu nhiên để kiểm dịch. Trái cây được NK liên tục trong khi mẫu hàng đang trong quá trình kiểm dịch thì hàng đã được thông quan, lưu thông trên thị trường.
Như vậy, nếu có phát hiện vấn đề gì thì cũng chỉ có tác dụng cảnh báo, không ngăn chặn được số hàng đã tới tay người tiêu dùng. “Việt Nam thiếu thiết bị kiểm dịch. Máy móc cũng chỉ mới kiểm tra được số lượng chất nhất định chứ không phải tất cả các chất. Với điều kiện hiện tại, người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh, biết nghe ngóng và theo dõi tình hình để giảm bớt những nguy hại khi sử dụng sản phẩm”, TS. Nguyễn Văn Hào nói.
Đồng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Công tác quản lý chất lượng trái cây NK đang làm từ “ngọn”, bỏ qua phần “gốc”. Hàng đến biên giới, cơ quan chức năng chỉ lấy số mẫu rất nhỏ đem đi làm các xét nghiệm. Hàng nghìn thùng hoa quả, lấy vài quả kiểm tra mà cũng cả tuần mới có kết quả? Trong lúc đó, hàng đã tràn vào chợ và được tiêu dùng hết. Thêm một điểm nữa phải nói, hệ thống kiểm dịch của Việt Nam không đủ khả năng để kiểm định đầy đủ chất lượng hàng NK. Đơn cử như hiện có khoảng hơn 2.000 hoạt chất bảo vệ thực vật sử dụng trong trồng trọt, bảo quản rau, củ, quả nhưng Việt Nam mới kiểm nghiệm được 600 chất.
Cơ quan chức năng đang làm đúng trách nhiệm, đúng quy trình, song hoa quả NK bày bán trên thị trường vẫn “nhập nhèm” về xuất xứ, chất lượng và người tiêu dùng thường trực mối lo lắng không biết ăn gì cho “lành”. Để quản lý chặt chất lượng trái cây NK rất cần cái “bắt tay” đồng bộ, xuyên suốt giữa các đơn vị liên quan trong kiểm soát trái cây NK từ biên giới tới khi tiêu thụ trong nội địa. Có như thế người tiêu dùng mới thực sự an tâm và đặt trọn niềm tin vào trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng.
Theo HQ