Jack Ma, một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc (Ảnh: Forbes)
Mặc dù vậy, các tỷ phú Mỹ vẫn là những người kiểm soát phần lớn hơn trong khối tài sản của giới tỷ phú toàn cầu, nắm giữ 2,8 nghìn tỷ USD.
Một điểm đáng chú ý là tốc độ tăng tài sản của các tỷ phú thế giới trong năm 2016 cao hơn gấp đôi so với mức tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu cùng năm. Trong năm ngoái, chỉ số MSCI AC World Index của chứng khoán thế giới tăng 8,5%.
Nhờ sự phát triển năng động của kinh tế châu Á, tính trung bình trong năm 2016, khu vực này cứ 3 ngày lại có thêm 1 tỷ phú. Nếu tốc độ sản sinh tỷ phú này được duy trì, châu Á sẽ vượt Mỹ để trở thành khu vực tập trung tài sản lớn nhất thế giới trong vòng 4 năm - UBS và PwC cho biết trong bản báo cáo có sự phân tích dữ liệu gần 1.550 tỷ phú.
"Sự kết hợp giữa ổn định chính trị ở Trung Quốc, giá bất động sản gia tăng ở Trung Quốc, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, tầng lớp trung lưu phát triển, và giá hàng hóa cơ bản tăng đều là những nhân tố thúc đẩy sự gia tăng của tài sản", báo cáo có đoạn viết, trích dẫn nội dung các cuộc phỏng vấn với những người giàu nhất châu Á.
Theo báo cáo, 3/4 số tỷ phú của thế giới hiện đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong vòng 1 năm, số tỷ phú châu Á tăng thêm 117 người, lên tổng số 637 người, trong đó số tỷ phú tự thân chứng kiến tài sản tăng nhanh hơn những người thừa kế. Mỹ có thêm 25 tỷ phú, đạt con số 563 tỷ phú.
Số tỷ phú của châu Âu gần như đi ngang ở 243 người, một phần do một số tỷ phú qua đời và "nhiều công ty có thể xem châu Âu là một nơi khó làm ăn do văn hóa doanh nghiệp bảo thủ và những quy định ngặt nghèo", UBS nhận xét.
Theo số liệu từ xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, 500 người giàu nhất thế giới đã "bỏ túi" thêm 824 tỷ USD trong năm nay, tương đương mức gia tăng giá trị tài sản ròng 19%. Tính đến ngày 26/10, tổng giá trị tài sản của nhóm này đạt 5,2 nghìn tỷ USD.
Việc thế giới có thêm nhiều tỷ phú đã kéo theo sự tăng giá của các tác phẩm nghệ thuật và các câu lạc bộ thể thao.
Giá các tác phẩm nghệ thuận đã tăng mạnh từ đầu những năm 2000, khi ngày càng nhiều tỷ phú coi các tác phẩm quý là một biểu tượng địa vị và kênh đầu tư. Trong số 200 nhà sưu tập nghệ thuật hàng đầu thế giới trong năm 2016, khoảng 3/4 là tỷ phú, so với con số chỉ 28 vị là tỷ phú vào năm 1995.
Tỷ phú người Nhật Yusaku Maezawa chính là người đã mua tác phẩm nghệ thuật đắt giá nhất trong một cuộc đấu giá năm 2017. Đó là bức họa của Jean-Michel Basquiat, được bán với giá 110,5 triệu USD.
Hơn 140 câu lạc bộ thể thao hàng đầu thế giới hiện nay đang thuộc sở hữu 109 vị tỷ phú. Các vị này có độ tuổi trung bình là 68 và mức tài sản trung bình là 5 tỷ USD, theo báo cáo.
Các tỷ phú là một đối tượng khách hàng quan trọng của UBS, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới. Ngân hàng này dự báo rằng tài sản của các cá nhân siêu giàu sẽ tăng nhanh hơn mức độ tăng trưởng tài sản trung bình của thế giới. Ngoài phát hành báo cáo hàng năm về giới tỷ phú toàn cầu, UBS còn đang xây dựng quỹ đầu tư chỉ dành riêng cho những khách hàng giàu nhất.
Bình Minh - vneconomy