Nga bất ngờ thông báo sẽ đóng cửa Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1), đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga tới Châu Âu, trong 03 ngày cuối tháng Tám. Thông tin này làm gia tăng áp lực đối với Liên minh Châu Âu.

Theo Gazprom, các hệ thống máy nén khí phải tạm dừng hoạt động sau mỗi 1 nghìn giờ hoạt động để kiểm tra tình trạng vỏ máy, hệ thống cung cấp dầu bôi trơn, kiểm tra và loại bỏ rò rỉ, kiểm tra van an toàn và điều chỉnh lưu lượng luồng khí. Sau khi bảo dưỡng, việc vận chuyển khí sẽ được khôi phục ở mức 33 triệu mét khối mỗi ngày, chiếm khoảng 20% công suất toàn tuyến của đường ống.

Ảnh Energy Industry Review
Ảnh Energy Industry Review.

Ngay sau thông báo của Nga, giá khí đốt ở Châu Âu đã tăng 7% lên hơn 2.600 USD/1.000m3. Cuối tháng Bảy, Gazprom cũng cắt giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho Châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất vì lý do sửa chữa tuabin. Quyết định này cũng đã làm leo thang giá năng lượng tại Châu Âu.

Trong bối cảnh Liên minh Châu Âu vẫn đang chật vật tìm cách ứng phó với khả năng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông, thông tin trên càng gia tăng lên áp lực đối với khối này. 

Đức - quốc gia phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Nga trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại. Bộ Kinh tế Đức trong một tuyên bố, sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ với Cơ quan Mạng lưới Liên bang. Trong khi đó, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindler xác nhận, nguy cơ thiếu điện là rất cao và Đức đang để ngỏ khả năng phải sử dụng năng lượng hạt nhân.

“Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi để ngỏ khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân. Chúng tôi cần tránh thiếu hụt điện. Trong khi khí đốt sẽ không còn được sử dụng để sản xuất năng lượng nữa vì hiếm. Trong vài tháng hoặc vài năm tới, điện sẽ được tăng cường sử dụng cho đốt nóng vì khí đốt khan hiếm. Chúng tôi phải nỗ lực duy trì và mở rộng khả năng sản xuất năng lượng ở Đức”, Bộ trưởng Lindler nói.

Trong khi đó Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc Jozef Sikela cảnh báo, nước này có nguy cơ đối mặt với tình trạng không có khí đốt trên thị trường Châu Âu, bất kể giá cả mặt hàng này như thế nào. Séc gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt của Nga.

Trong khi đó, đại diện Bộ Các vấn đề kinh tế Hà Lan ngày 19/08 thông tin: Chính phủ nước này sẽ đẩy nhanh tăng mục tiêu lấp đầy kho lưu trữ khí đốt vào ngày 01/11 lên 90%, cao hơn nhiều so với mức 68% trước đó.

Cho đến nay vẫn chưa có một con số cụ thể được đưa ra về mức độ giảm của dòng chảy khí đốt từ Nga sang Châu Âu. Chỉ biết rằng dòng chảy này đã giảm mạnh. Từ trước cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, Nga đã không bán khí đốt trên thị trường giao ngay, mà thay vào đó cung cấp theo các hợp đồng dài hạn. Tình trạng thiếu khí đốt đẩy giá năng lượng cao đang đặt Châu Âu trước nguy cơ suy thoái kinh tế vì đẩy lạm phát lên cao ngất ngưởng. Nhiều người tiêu dùng Châu Âu đã phải thắt lưng buộc bụng để trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu gồm lương thực-thực phẩm, xăng dầu và điện nước.

Nếu Nga cắt khí đốt hoàn toàn, đây có thể xem là một đòn chí mạng đối với nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Châu Âu. Hiện 27 nước thành viên EU đang cố gắng làm đầy dự trữ khí đốt trước mùa đông, giai đoạn cao điểm của tiêu thụ khí đốt hàng năm. Tuy nhiên, dự trữ khí đốt của khu vực hiện mới đạt 65%, so với mục tiêu đạt 80% trước ngày 01/11 tới.

Hồng Nhung/VOV