Cắt điện nước, xử phạt chủ đầu tư
Sáng 27/3, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội tổ chức giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về vận hành, quản lý chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân. Theo báo cáo, trên địa bàn quận Thanh Xuân hiện có 89 tòa nhà chung cư tái định cư và chung cư thương mại. Từ việc quản lý, vận hành các tòa nhà này có nhiều vấn đề phát sinh như khó khăn trong thành lập các ban quản trị, quản lý quỹ 2%, một số tòa nhà chưa nghiệm thu PCCC nhưng đã có dân đến ở... Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, rất khó áp dụng biện pháp cứng rắn với các chung cư. Về cơ bản, một chung cư khi hình thành liên quan đến trách nhiệm của các sở ngành như Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, PCCC, TN&MT. “Nếu quản lý cư dân gây mất an ninh trật tự thì chúng tôi không thoái thác trách nhiệm”, ông Lưu nói.
Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội. Ảnh: Trường Phong
Về vấn đề thành lập ban quản trị các tòa nhà, ông Lưu cho rằng theo quy định, mỗi tòa nhà có thể thành lập một ban quản trị, cũng có thể cả khu thành lập một ban quản trị. “Nếu mỗi tòa thành lập một ban quản trị thì chia kinh phí bảo trì 2% như thế nào. Riêng lấy ý kiến các hộ dân đã mất một năm”, ông Lưu nói. Cũng theo ông Lưu, theo quy định, mỗi cuộc họp phải có ít nhất 2/3 số cư dân. Nếu đủ 2/3, khoảng 600 người có mặt cùng lúc thì có chỗ nào chứa hết được, mà cũng không có lúc nào có đủ được 2/3 dân cư. “Tiêu chí của người làm ban quản trị thế nào cũng chưa có. Hầu như mọi người bầu những người lớn tuổi, những người lớn tiếng đấu tranh với chủ đầu tư”, ông Lưu nói thêm.
Ông Lưu chia sẻ lo ngại khi một số chung cư trên địa bàn có tình trạng chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Theo ông Lưu, không thể cứ đứng ở cửa chung cư để không cho người dân vào ở. Chủ đầu tư cho dân vào, đúng là có trách nhiệm của chính quyền. Ông Lưu giải thích, có tình trạng này là do chủ đầu tư quảng cáo, cam kết với người dân về thời hạn giao nhà. Nhiều người dân căn cứ thời hạn đó đã bán nhà từ trước để chuyển đến nhà mới. “Nếu cưỡng chế người dân thì phải tìm chỗ ở tạm cho họ. Thế thì rất khó. Cái này liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ công trình, phải có xử phạt. Nếu chủ đầu tư làm không đúng hợp đồng, cư dân có quyền kiện ra tòa để đòi quyền lợi”, ông Lưu nói thêm.
Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn không đồng ý với việc “không có cách làm” đối với các chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Ông Tuấn yêu cầu phải quyết liệt, nghiên cứu chế tài xử phạt, đề xuất biện pháp xử lý để đảm bảo an toàn cho nhân dân và cộng đồng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tham khảo Sở Tư pháp, có thể Sở Xây dựng sẽ chủ trì, làm việc với các đơn vị cung ứng điện, nước cho các tòa chung cư chưa nghiệm thu về PCCC. “Phối hợp với đơn vị cung ứng điện, nước. Nếu công trình không đủ điều kiện thì không cấp điện, nước. Như thế không có điều kiện để người dân đến ở nữa”, ông Dũng nói thêm.
Sợ cháy tầng hầm chung cư
Tại buổi giám sát, Đại tá Lê Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, quận Thanh Xuân có 29 công trình không đảm bảo an toàn phòng cháy; 4 công trình cao tầng đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt PCCC; 3 công trình cao tầng đã đưa vào sử dụng, đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu. “Chúng tôi đã lập biên bản, đã có kiến nghị báo cáo thành phố, Công an để phối hợp xử lý giải quyết”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, các chung cư cao tầng ở Hà Nội đang có nhiều bất cập. Thứ nhất, đối với những tòa nhà đưa vào sử dụng thời gian trước đây, hệ thống PCCC cũng có, nhưng hiện nay không hoạt động và nếu hoạt động cũng không hiệu quả vì các chủ đầu tư không chấp hành quy định khi thi công. Hai là trong quá trình sử dụng qua nhiều năm công tác bảo hành, bảo trì, thay thế không có. Đặc biệt, theo ông Tuấn, với những tòa nhà mới đưa vào sử dụng thời gian gần đây, do quy định của luật chặt chẽ, lúc nghiệm thu có thể chấp hành, nhưng sau khi đi vào hoạt động, việc bảo hành, bảo trì lại không có. “Vừa rồi kiểm tra một loạt, ngay cả khu Trung Hòa Nhân Chính, khi báo cháy thì đường ống lâu không vận hành, gặp dòng nước áp lực lớn nên bục hết. Rất nhiều họng nước cũng không có nước”, ông Tuấn nói.
Liên quan đến 79 công trình vi phạm PCCC trên địa bàn thành phố, ông Tuấn cho biết, đến nay, đã giải quyết được 41 tòa nhà, được cấp giấy chứng nhận, nghiệm thu. Một số tòa nhà vẫn đang tiếp tục khắc phục, riêng 26 tòa nhà rơi vào dạng “bất khả kháng”, vì liên quan đến kiến trúc, kết cấu, theo quy chuẩn mới thì không thể đáp ứng được. “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND thành phố, Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Xây dựng để có giải pháp xử lý chỉnh sửa, nếu đúng theo luật thì không thể hoạt động được”, ông Tuấn nói thêm. Đại tá Lê Mạnh Tuấn cũng nêu việc một số tòa nhà chung cư sử dụng tầng hầm có nhiều vấn đề, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ. Theo ông Tuấn, dưới tầng hầm để hàng trăm, hàng nghìn ô tô, xe máy, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ từ các nguồn nhiệt, ví dụ như việc nấu nướng của bảo vệ, thuốc lá, thuốc lào. “Chúng ta vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân nhiều xe đang đi trên đường tự bốc cháy. Ngay cả để trong tầng hầm cũng rất nguy hiểm”, ông Tuấn nói thêm.
Theo Tiền Phong
Theo Đại tá Lê Mạnh Tuấn, nhiều cửa thoát hiểm khu vực tầng hầm các chung cư bị thay đổi kết cấu. Ông lấy ví dụ vụ cháy ở TPHCM, do người dân chèn gạch vào cửa chống khói, nên khói mới xộc lên các tầng trên. “Các thang thoát hiểm, cửa chống cháy đều kín hết để không cho khói lên trên, nhưng trong quá trình sử dụng, người dân không có ý thức, thường mở ra chèn gạch hoặc thay đổi kết cấu trợ lực”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cảnh báo, các Ban quản trị các tòa nhà chung cư phải thường xuyên kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy ở tầng hầm. “Lực lượng PCCC đi kiểm soát tầng hầm rất gay gắt. Nhiều tòa nhà họ không thường xuyên kiểm tra, không thay thế, bảo dưỡng thì làm sao chữa cháy được”, ông Tuấn thông tin.