Tất cả đều bị động…
Bất an vì hệ thống phòng cháy chữa cháy và ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy ở các chung cư, nhà cao tầng tại TPHCM còn nhiều hạn chế, yếu kém và nhất là công tác kiểm tra, giám sát về an toàn phòng cháy chữa cháy của các cơ quan chức năng chưa được coi trọng.
Bà Lê Thị Rảnh ở chung cư Carina vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ cháy rạng sáng 23/3 vừa qua. Cả nhà đang yên giấc thì nghe con rể lay gọi dậy cùng tháo chạy vì chung cư bị cháy.
Bà Rảnh và vợ chồng con gái ôm cháu ngoại hoảng loạn chạy xuống cầu thang bộ trong đêm tối, khói dày đặc và hành lang trơn trượt để thoát ra ngoài: “Không biết lối nào để bò xuống. Khi bò xuống lầu 1 mà không biết đường ra vì khói và nóng quá. Con gái tôi mới thò chân lết từng tí một theo hướng dẫn của con rể. Lúc đó lo sợ cho con nít. Cháu ngoại tôi được ba nó ẵm chạy thoát ra được, bị té liên tục mà phải vùng dậy chạy. Đường cầu thang và hành lang trơn trượt vì nước lênh láng, ai cũng nhúng nước hết”.
Vụ cháy được dập tắt sau 2 tiếng, nhưng tổn thất về người và tài sản lại quá lớn: 13 người chết và hàng chục người bị thương, 150 xe máy và 13 ô tô bị cháy.
Vụ cháy chung cư Carina ở TP HCM là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cấp ngành, chủ đầu tư, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và chính quyền địa phương về việc làm sai quy trình
Sau vụ cháy, người dân chung cư Carina vô cùng bức xúc cho rằng: Công tác phòng cháy chữa cháy tại chung cư được xem là cao cấp này lâu nay rất yếu kém. Điều đáng nói là ngay tối hôm trước (22/3), người dân ở Carina Plaza đã có cuộc đối thoại với ban quản lý chung cư phản ánh về tình trạng thang máy không hoạt động, bảng quảng cáo trong thang máy có dấu hiệu rò rỉ điện tiềm ẩn nguy cơ chập điện gây cháy nổ, tình trạng bảo vệ thường hút thuốc dưới bãi xe gây mất an toàn trong chung cư. Không ngờ rạng sáng hôm sau thì cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra với con số thương vong đau lòng.
Bà Lê Thị Hoa thoát chết sau vụ cháy cho biết: Mặc dù chủ đầu tư bàn giao các căn hộ đã 7 năm nay, nhưng những vị trí đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy, hộp gắn báo hiệu cháy vẫn không được mở ra và hướng dẫn cụ thể cho người dân biết. Bà Hoa và rất nhiều người dân ở chung cư Carina đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được quan tâm.
Còn anh Lê Quang Đăng, người cũng vừa thoát khỏi vụ cháy bức xúc: Nếu được cảnh báo ngay khi có cháy, có phương tiện để dập tắt đám cháy thì sẽ không có nhiều thương vong như thế: “Không thể nào có một báo động sớm để mình biết, hoàn toàn không biết luôn. Không có một tiếng kêu. Thang thoát hiểm thiết kế như chung cư này thì không thể thoát được. Nếu khi có báo động xảy ra, có khói thì hệ thống phun nước phải phun nhưng ở đây không có báo cháy, hệ thống phun nước dập lửa không có nên khói lại nhiều dày đặc như vậy.
Điều tra bước đầu cho thấy hệ thống cửa ngăn cháy bị hở dẫn đến khói lan nhanh. Không chỉ cửa ngăn giữa tầng hầm với tầng trên mà cả các cửa lối thoát hiểm các tầng cũng đều mở dù đây là cửa có lò xo tự đóng, một số tầng không có đèn tín hiệu hướng dẫn thoát hiểm. Điều này cho thấy từ ý thức phòng cháy chữa cháy đến cả thiết bị, quy trình phục vụ cho công tác này đều không hề được quan tâm.
Thượng tá Phạm Trí Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát PCCCC quận 8, cho biết: Hằng năm Cảnh sát PCCC quận đều kiểm tra và tổ chức diễn tập về phòng cháy chữa cháy trong các nhà cao tầng.
Theo ông Thảo, chính người dân phải tự ý thức và trang bị về kiến thức thoát nạn trong các vụ cháy để bảo vệ tính mạng chính mình. Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây lại cho rằng: Trách dân thiếu ý thức là một chuyện, nhưng quan trọng vẫn là ở hệ thống PCCC không đảm bảo, hơn thế nữa, lâu nay việc diễn tập về phòng cháy chữa cháy ở các chung cư, nhà cao tầng chỉ mang tính hình thức và không có phương án tình huống cụ thể. Vì vậy, đến lúc xảy ra cháy nổ chẳng ai biết cách xử lý ra sao.
Anh Đỗ Bảo Trọng ở Lốc A, cư dân chung cư Carina, Quận 8 nói: “Thực ra thì hằng năm cũng có diễn tập PCCC. Nhưng theo tôi nếu chúng ta cứ diễn tập như lâu nay thì khi xảy ra cháy không xử lý được. Cứ đến diễn tập xịt xịt mấy cái cho vui rồi về là không được”.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn TP HCM có hơn 1.000 nhà cao từ 5 tầng trở lên, trong đó có 605 nhà cao tầng trên 10 tầng và đang có ít nhất 145 công trình nhà cao tầng đang thi công. Điều đáng nói là thời gian qua không ít trường hợp chủ đầu tư cũng như ban quản lý chung cư thiếu quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy. Nhiều chung cư chưa được nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy, nhưng vẫn bất chấp và bàn giao các căn hộ cho dân vào ở. Thế nhưng các cơ quan chức năng cũng không xử lý nghiêm vấn đề này. Tất cả các quy trình đều không được thực hiện.
Hồi chuông cảnh tỉnh… về sai quy trình
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng: Theo quy định về Luật nhà ở và các văn bản Luật có liên quan, đối với các công trình là nhà chung cư cao tầng, trước khi hoàn công thì chủ đầu tư và cơ quan có thẩm quyền về phòng cháy chữa cháy phải tiến hành nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy. Cơ quan phòng cháy chữa cháy kiểm tra giám sát từ khi thiết kế, lắp đặt, xây dựng đến khi hoàn công. Nếu công trình nào mà không đảm bảo thì không cho cư dân vào ở. Thế nhưng ở đây các chung cư đã làm ngược lại. Vụ cháy chung cư Carina là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cấp ngành, chủ đầu tư, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và chính quyền địa phương về việc làm sai quy trình này.
Luật sư Nguyễn Văn Đức kiến nghị: “Qua vụ cháy chung cư Carina, trên góc độ luật sư, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án, để làm rõ, xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, trách nhiệm của cơ quan PCCC quận 8 và các bên liên quan, đó là: Ban quản lý được giao nhiệm vụ vận hành, quản lý tòa nhà hoặc là đơn vị được chủ đầu tư thuê để vận hành tòa nhà”
Xót xa từ vụ cháy này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cũng cho rằng: Luật phòng cháy chữa cháy được Quốc hội ban hành 2001và sửa đổi bổ sung 1 số điều bất cập năm 2013 đã quy định rất rõ, cụ thể.
Do đó theo ông cần xử lý nghiêm vụ việc này để làm gương: “Khi xảy ra sự cố này phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu các cơ quan thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra trong thực hiện hoạt động PCCC mà để gây ra cháy thì tùy tính chất, mức độ, chúng ta có thể xử lý kỷ luật và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Ngay trong ngày 25/3, 500 cư dân ở Carina đã gửi đơn kiến nghị khẩn cấp lên Thủ tướng tố cáo chủ đầu tư và cho rằng: “Những thiệt hại đã xảy ra hoàn toàn do lỗi của Chủ đầu tư dự án chung cư Carina, Ban quản lý chung cư cũng như những cơ quan Nhà nước có liên quan đến việc nghiệm thu, thẩm tra chất lượng trang thiết bị, kiểm tra định kỳ hệ thống phòng cháy tại chung cư”.
Đây không phải là lần đầu TPHCM xảy ra vụ cháy nhà cao tầng với số thương vong lớn. Nguy cơ cháy nổ ở các tòa nhà cao tầng, chung cư tại TPHCM đã được cảnh báo liên tục từ nhiều năm nay. Thế nhưng, do sự phớt lờ, thiếu quan tâm từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý các tòa nhà trong công tác phòng cháy chữa cháy đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngay sau vụ cháy, TP HCM khẩn trương tổng kiểm tra, rà soát năng lực phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà công trình cao tầng, siêu cao tầng, năng lực quản lý quản trị của các khu dân cư, tiến tới rà soát đánh giá chất lượng các ban quản lý, chất lượng hệ thống phòng cháy chữa cháy của các tòa nhà. Đồng thời xử lý nghiêm vụ việc này.
Hy vọng sự chỉ đạo quyết liệt này cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy của các đơn vị liên quan và cả việc nâng cao ý thức của người dân trong phòng cháy chữa cháy sẽ hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ tại TPHCM, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Theo VOV.VN