TH&CL - Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), những tháng cuối cùng của năm 2016, ghi nhận thị trường vàng trong nước vẫn chưa thực sự có sự liên thông về giá với thị trường vàng thế giới.

Trong khi giá vàng thế giới liên tục thay đổi sau các cuộc họp của Fed, giá vàng trong nước thậm chí còn thay đổi theo chiều ngược lại. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại được nới rộng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Fed.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng - Hình 1

Giá vàng trong nước biến động chủ yếu do tâm lý của người dân (Ảnh minh họa)

Tính tới ngày 30/12, mức chênh lệch đã lên tới trên 5 triệu đồng/lượng, chủ yếu do giá vàng thế giới sụt giảm mạnh sau quyết định của FED. Cụ thể, giá vàng thế giới sau khi quy đổi đã giảm 10,7% trong Quý 4/2016.

Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động thất thường trong suốt quý. Giá vàng SJC bán ra cuối tháng Mười Hai gần như không thay đổi so với mức giá cuối tháng Chín, ở mức 36,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng tính tới cuối năm 2016 đã tăng 11,47% so với thời điểm cuối năm 2015.

Giá vàng trong nước biến động chủ yếu do tâm lý của người dân, đặc biệt sau tin đồn về vấn đề đổi tiền. Nhu cầu dự trữ vàng tăng cao trong khi cung vàng chịu sự điều tiết của NHNN khiến giá vàng trong nước khó có sự liên thông với giá vàng thế giới. Điều này một phần sẽ dẫn tới hiện tượng vàng hóa trong dân. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.

Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống. Điều này sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chı́nh dẫn tới hiện tượng vàng hóa trở lại. Điều này cũng đúng với đô la hóa, khi các NHTM đặt mức lãi suất huy động dương với đồng USD.

 Anh Đức