Bài 11 (bài cuối): Điện Biên xây dựng nhiều phương án giảm nghèo

Nhờ sự đầu tư các nguồn lực từcác chương trình mục tiêu quốc gia và tín dụng chính sách, đến nay, tốc độ giảm nghèo tại Điện Biên đạt hơn 4,4%/năm…

Điện Biên phát triển hài hòa, gắn kết kinh tế - văn hóa - xã hội

Nhà ở cho hộ nghèo DTTS: Huy động mọi nguồn lực

Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, Điện Biên có gần 7.450 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, có nhu cầu hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Cuộc sống của người dân, đa phần còn thiếu thốn. Nhiều hộ nghèo vẫn đang sinh sống trong ngôi nhà tạm bợ, diện tích chật hẹp, không có khả năng chống chịu với thiên tai, mưa bão. 

Do đó, cùng với nguồn lực của Nhà nước, các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tỉnh đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn chính sách, từ xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo.

Từ năm 2019 đến nay, nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ xây dựng hơn 5.200 căn nhà cho các hộ nghèo.

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay

Tiêu biểu: Mường Nhé - là huyện đầu tiên được triển khai thực hiện hỗ trợ, đạt 1.140 ngôi nhà, trong đó có 891 ngôi nhà hoàn toàn xây mới, 249 căn nhà sửa chữa cải tạo; huyện Nậm Pồ, có 8/15 xã biên giới, đã có 613 ngôi nhà hoàn thành theo chương trình phối hợp  (589 ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn mới, 24 nhà sửa chữa, cải tạo).

Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng vào cuộc, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cùng tham gia; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Cu thể:

Đã ban hành Kế hoạch số 2000/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 22/10/2022 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, trên địa bàn các huyện nghèo, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên động lực để phát triển

Các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt triển khai và đẩy nhanh tiến độ làm nhà cho hộ nghèo, theo 2 nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 và Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo - hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ.

Theo đó, đối với các hộ nghèo nhà xây mới, được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ dân; sửa chữa nhà, được hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ dân.

Nhiều ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng khó khăn, đã được xây dựng mới. Các hộ dân xây dựng nhà, đều bảo đảm theo đúng 3 mẫu nhà điển hình - do Sở Xây dựng hướng dẫn với diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng).

Chiều 29/4, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Riêng tại huyện Mường Nhé, các căn nhà đều được xây dựng theo đúng thiết kế - do Bộ Công an đề xuất với diện tích 36 m2.

Việc thực hiện hiệu quả các chính sách đối với hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không chỉ góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh, mà còn là nguồn động viên để họ yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo…

Dẫu đó, thực tế vẫn còn nhiều hộ nghèo, ở trong các ngôi nhà dột nát, tạm bợ, rất cần được hỗ trợ về nhà ở. Chính vì vậy Điện Biên xác định công tác này cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, trong giai đoạn 2021 - 2025, cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa nhà tạm, xây nhà mới cho hộ nghèo.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, Lò Văn Mừng, cho biết:

“Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Điện Biên vẫn còn hơn 3.400 hộ dân cần được hỗ trợ xây mới, hơn 800 hộ dân cần được sửa chữa nhà ở. Nhiều người dân cần được quan tâm, giúp đỡ để vươn lên, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - điểm du lịch của tỉnh Điện Biên

Vì vậy, địa phương rất cần những trợ lực từ các chương trình - chính sách của Nhà nước; sự chung tay, đồng hành hỗ trợ của các DN, tổ chức, cá nhân, đơn vị, trong việc xóa nhà tạm, nhà ở dột nát cho đồng bào nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh mong muốn, tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; cùng phối hợp với địa phương, thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Điện Biên sẽ nhanh chóng đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cùng đồng lòng thực hiện tốt việc xóa nhà tạm, xây những ngôi nhà mới khang trang cho người dân”.

Du lịch Điện Biên

Nâng cao chất lượng đời sống người dân từ xây dựng NTM

Nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân từ xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Điện Biên đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo lãnh đạo tỉnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, miền núi, có sức ảnh hưởng rất lớn và tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, khu vực nông thôn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Sau khi Chính phủ và các bộ, ngành có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh đã ban hành 89 văn bản để quy định, hướng dẫn cụ thể hóa các quy định của Trung ương, làm cơ sở tổ chức thực hiện các chương trình MTQG giúp người dân từng bước giảm nghèo bền vững. Các giải pháp, nhiệm vụ được triển khai đồng bộ, tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững.

Một góc thị trấn Tủa Chùa

Đến nay, bộ mặt nông thôn được cải thiện, đời sống của Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể tại các xã. Chất lượng nhà ở (nhà ở kiên cố và bán kiên cố) khu vực nông thôn được cải thiện và tăng lên. Toàn tỉnh có 68/115 xã đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư; 24/115 xã đạt tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm xuống còn 36,57%.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 35,922 hộ, giảm xuống còn 25,68% giảm 4,6% so 2022 - là năm thứ 2 liên tiếp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 4%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021- 2025); tỷ lệ hộ cận nghèo 11,29%, tổng số hộ cận nghèo là 15.793 hộ. Trong đó, tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,73% so 2022.

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cấp xã còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể như, việc lựa chọn các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thực sự bền vững cụ thể (một số cây trồng được chuyển đổi nhưng kém phát triển, do không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương).

Lễ hội đua thuyền đuôi én và Giải dù lượn quốc gia lần thứ IV được tổ chức tại TX. Mường Lay dịp Tết Dương lịch 2024

Một số quy định về cấp con giống theo Luật Chăn nuôi, còn nhiều bất cập. Trong khi tỉnh Điện Biên không có cơ sở, đơn vị cung ứng giống gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chính vì vậy, việc cung ứng giống gia súc cho hộ nghèo, gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.

Các tiểu Dự án 1, Dự án 4, thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tại Quyết định số 90/QĐ-TTg có nội dung hỗ trợ “cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo”. Theo đó, tỉnh Điện Biên có 12 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 3 trường cao đẳng và 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện).

Song, theo quy định tại Điều 5 - Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều 44 - Luật Giáo dục, mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục mà không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khiến cho các đơn vị này không thuộc đối tượng được đầu tư hỗ trợ sửa chữa, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn của Chương trình.

Phát huy lợi thế đất lâm nghiệp để trồng rừng, phát triển kinh tế rừng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé giảm qua các năm

Việc tuyển chọn người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đi làm việc ở nước ngoài, chiếm tỷ lệ thấp. Nguyên nhân do phong tục, tập quán của đồng bào DTTS không muốn đi làm ăn xa và người lao động chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, trình độ văn hóa để đi làm việc tại các thị trường có thu nhập tốt và ổn định…

Để NTM gắn với công tác giảm nghèo bền vững đối với người dân, nhất là đồng bào vùng DTTS, tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các chương trình MTQG; tăng cường khuyến khích các phong trào thi đua, cuộc vận động về phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đồng thời, địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo hằng năm đảm bảo tính kịp thời, chính xác, công bằng trong xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; để kịp thời hỗ trợ, đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước đến kịp thời với các hộ dân, tạo dựng các mô hình, các giải pháp giúp đỡ người dân từng bước thoát nghèo, giảm nghèo bền vững.

Vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc

Các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các chương trình MTQG, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan, trong quá trình triển khai thực hiện; kịp thời tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo việc triển khai có hiệu quả.

Phấn đấu trong năm 2025, có 2 huyện (Mường Ảng và Tuần Giáo) sẽ thoát nghèo. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 2 huyện thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khan, bằng nhiều giải pháp (tập trung nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp...).

Đối với các huyện khác, sẽ vẫn được hỗ trợ đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tại các huyện, thị xã còn lại của Điện Biên.

Mô hình trồng sa nhân giúp người dân huyện Mường Nhé có thu nhập ổn định và bền vững, góp phần xóa đói giảm  nghèo

Cùng với đó, có khoảng 23,7% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, trên địa bàn các huyện, thị xã, được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp hỗ trợ về phương thức sản xuất mới, kỹ thuật sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực.

Đối với các cán bộ làm công tác giảm nghèo, sẽ được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo để giúp các huyện thực hiện tốt các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Riêng về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung nhiều nguồn lực để các hộ nghèo đều được tham gia, sử dụng tiếp cận nguồn lực tối đa…

Triển khai các chương trình hướng về Điện Biên

Bằng tấm lòng với Điện Biên, nhiều bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã triển khai các chương trình, hoạt động an sinh xã hội tại Điện Biên. Trong đó, lực lượng công an cả nước đã và đang có nhiều hoạt động hướng về đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên.

Người dân bản Há Dùa (xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo) thu hoạch thảo quả

Nổi bật là chương trình làm 5.000 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo Điện Biên, do UBTWMTTQ Việt Nam phát động. Đến thời điểm này, Điện Biên đã hoàn thành làm nhà đại đoàn kết. Người dân yên tâm an cư, ổn định cuộc sống trong ngôi nhà mới.

Trong những ngày này, Công an TP. Hà Nội; Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) và công an một số tỉnh, các tổ chức, đoàn thể, tiếp tục triển khai Hành trình “Tự hào Tây Bắc - Tiếp bước Cha anh” với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, tại các huyện khó khăn của tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La.

Đây là một trong các chuỗi hoạt động của Công an Thủ đô nhằm thiết thực hưởng ứng, có hiệu quả lời kêu gọi cả nước hướng về Điện Biên Anh hùng - của Thủ tướng Chính phủ, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô.

Tại tỉnh Điện Biên, Đoàn công tác của Công an TP. Hà Nội tới thăm, gửi đến công an 21 xã, thị trấn và 30 gia đình liệt sỹ Công an nhân dân, gia đình chính sách, chiến sỹ Điện Biên Phủ, những phần quà và một số trang thiết bị phục vụ công tác, nhằm tri ân các Anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, tri ân mảnh đất Điện Biên lịch sử.

Đồng thời, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, nhất là công an các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức Chương trình trao tặng các công trình, phần quà - đồng hành cùng công an các xã biên giới và Nhân dân, trên địa bàn huyện Điện Biên.

Người dân chủ động phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo

Với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng cao, vừa qua, Đoàn công tác của Cục Công tác Đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên, mang theo hàng nghìn phần quà với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng, trao đến các gia đình chính sách, học sinh và người dân có hoàn cảnh khó khan, trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Tại chương trình, Đoàn công tác đã trao 500 bộ quần áo đồng phục cho học sinh Trường PTDTBT THCS, xã Na Sang; 40 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 5 bộ máy tính, nhiều tủ sách cho thư viện nhà trường; đồng thời, trao biển hỗ trợ 4 mái ấm tình thương, mái ấm nghĩa tình cho người dân, gia đình cán bộ công an có hoàn cảnh khó khăn; trao 200 suất học tiếng anh miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học.

Hành trình về nguồn - cũng là một trong chuỗi các hoạt động của Công an tỉnh Hưng Yên, nhằm nâng cao nhận thức chính trị, lòng yêu nước và tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ; đồng thời ghi nhớ công lao đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thế hệ cha anh đi trước cùng sự hy sinh anh dũng của các Anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Trong khuôn khổ chương trình, Đoàn đã đến thăm, tặng quà công an 2 xã biên giới Na Ư và Pa Thơm, trên địa bàn huyện Điện Biên; tham quan, dâng hương tại nhiều di tích, trên địa bàn 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La.

Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 29/4, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức Hội nghị công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm này, công tác tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đang được tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt, đảm bảo theo tiến độ đề ra.

Lễ hội Bun Huội Nậm của đồng bào dân tộc Lào ở tỉnh Điện Biên (Ảnh: Tư llệu)

Trong đó, đối với các dự án đầu tư công, phục vụ các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đang được đẩy nhanh tiến độ, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào phục vụ các hoạt động lễ kỷ niệm.

Đối với Dự án Nhà khách tỉnh, đã hoàn thành 95% tổng trị giá gói thầu, phấn đấu hoàn thành  5/7 tầng của công trình với 42 phòng để đưa vào sử dụng, phục vụ Lễ kỷ niệm.

Các dự án chỉnh trang đô thị, phục vụ Lễ kỷ niệm có 11 dự án, trong đó đã tổ chức thi công 5/10 dự án, 5 dự án này, đã được lựa chọn triển khai một số nội dung để phục vụ Lễ kỷ niệm, các nội dung đầu tư đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra và đảm bảo chất lượng.

Các tiểu ban phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Lễ kỷ niệm; thực hiện rà soát, thống kê, phân loại nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống; đề xuất nội dung tham mưu bố trí ăn, nghỉ cho đại biểu và hướng dẫn cho khách du lịch.

Chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng đón khách du lịch và các lực lượng tham gia tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; đồng thời, bố trí nơi ăn, ở cho toàn bộ lực lượng của Quân đội và Dân quân tự vệ, quân số khoảng hơn 4.500 người.

Tỉnh cũng đã xây dựng phương án bố trí phương tiện vận chuyển tập trung bố trí tại Cảng hàng không và các khách sạn để đưa đón, phục vụ đại biểu, khách mời.

Tỉnh cũng xây dựng dự thảo phương án bảo đảm an ninh, trật tự Chương trình nghệ thuật đặc biệt và lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ...

Tại hội nghị, các đại biểu, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tham gia nhiều ý kiến về việc:

Chuẩn bị ghế ngồi cho đại biểu, tại khu vực khán đài A2 và A3, Sân vận động tỉnh; bổ sung đại biểu dự chương trình cầu truyền hình trực tiếp tối 5/5 khách mời là học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu của tỉnh;

Nhắc nhở Nhân dân dọn dẹp đảm bảo vệ sinh chỗ ngồi sau khi kết thúc lễ kỷ niệm; việc thành lập Trung tâm Báo chí, danh sách phóng viên đưa tin lễ kỷ niệm, phân bố danh sách đại biểu;

Chủ động rà soát bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm và chương trình viếng Nghĩa trang Liệt sỹ A1; bố trí các nhà vệ sinh di động, phục vụ cho lực lượng diễu binh, diễu hành.

Ngoài ra, các đại biểu ý kiến về việc thăm, động viên và kêu gọi người dân ủng hộ hoa quả, tặng nước uống cho các đoàn luyện tập diễu binh, diễu hành; đưa chiến sỹ Điện Biên cao tuổi tham dự các hoạt động phải đảm bảo sức khỏe;

Bố trí nơi ăn, ở cho khách mời; bố trí xe đưa đón các đại biểu; công tác đảm bảo an ninh trật tự, an ninh chính trị cho toàn bộ lễ kỷ niệm; vấn đề phân bổ đại biểu cho các sở ngành, cấp thẻ cho các đại biểu mời...

Những cô gái Điện Biên...

Trên cơ sở các ý kiến phát triểu của các đại biểu, các tiểu ban, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Trần Quốc Cường:

Đề nghị các tiểu ban, cơ quan liên quan rà soát lại chặt chẽ công tác, các hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm được chu đáo và thành công; đề nghị các sở, ban, ngành chi tiêu hết sức tiết kiệm trong việc đón tiếp khách;

Đề nghị các địa phương (trừ TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên) ủng hộ lương thực, thực phẩm cho các đơn vị công an, biên phòng, quân sự để phục vụ cho các khách mời;

Giao lãnh đạo các sở, ngành, Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh có các phương án bố trí nơi ở dã chiến cho các khách mời, nhất là các thư ký, lái xe, tùy tùng...;

Bố trí lực lượng dự phòng - đảm bảo kín chỗ 9.000 ghế ngồi, tại Sân vận động tỉnh; Đề nghị các địa phương ủng hộ 10.000 hộp sữa cho các đại biểu và 10.000 chai nước phục vụ cán bộ, chiến sỹ…

Niềm tin về một Điện Biên đổi mới, phát triển đã và đang được cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh nhà quyết tâm thực hiện; đáp lại sự mong muốn, kỳ vọng và ủng hộ, hỗ trợ của Nhân dân cả nước. Điện Biên hôm nay đang đổi mới, xứng danh với địa danh mảnh đất Điện Biên Anh hùng.

Hương Thủy