Cây cầu mái cọ đậm tình quê hương

...................
Cầu lợp làng Kênh được bắc ngang qua con sông quê

Đến trung tâm thị trấn Cổ Lễ, đi theo đường Tỉnh lộ 487 hướng về xã Trực Chính (huyện Trực Ninh) khoảng 1km, du khách sẽ đến được cây cầu lợp làng Kênh - cây cầu mái cọ “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Cây cầu tuy đơn sơ nhưng đã đi vào thơ ca, để những người con Cổ Lễ đi xa đều rất đỗi tự hào.

“Cây cầu mái lá cổ xưa

Bao năm qua vẫn nắng mưa dãi dầu

…Đơn sơ mà rất lạ thường

Độc nhất vô nhị bốn phương khó tìm”.

...........
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng cầu lợp làng Kênh vẫn giữ được nét tinh tế vốn có

Tôi tìm đến nhà cụ Bùi Ngọc Oa (tổ dân phố Đông Bắc Đồng, thị trấn Cổ Lễ) - người cao tuổi sinh sống ở trong làng. Cụ Oa nắm rất rõ các thông tin về cây cầu lợp làng Kênh.

Cụ Oa bảo, cầu lợp làng Kênh đã có từ rất lâu đời. Hồi còn nhỏ, cụ đã thấy cây cầu này sừng sững bắc qua sông quê. Cả 1 tuổi thơ của cụ gắn liền với cây cầu, vào những buổi trưa hè, cụ thường trốn bố mẹ ra cây cầu chơi với đám bạn cùng trang lứa.

Theo các tư liệu và dựa vào dòng chữ Nho được khắc trên xà ngang cầu thì cầu lợp làng Kênh được thiết kế từ thời nhà Lý, cách đây khoảng hơn 700 năm.

Từ sơ khai, mái cầu được lợp bằng lá cây bổi (loại cây trồng ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển); toàn bộ cột, xà, sàn cầu được làm bằng gỗ lim. Hai bên cầu là bậc tam cấp được xếp bằng đá xanh nguyên khối.

“Từ xa xưa, cách đây hàng trăm năm, làng Kênh, nay gọi là Tổ dân phố Đông Bắc Đồng vốn là 1 vùng chiêm trũng; chỉ một trận mưa to đổ xuống là ngập úng, gây khó khăn cho việc đi lại giữa các làng với nhau, nên các cụ đã họp làng dựng cầu, thể hiện tình làng nghĩa xóm”, cụ Oa tâm sự.

............
Mái cầu được lợp bằng cá cọ, thay cho lá bổi

Theo cụ Oa, trước đây cầu được đặt theo theo hướng Bắc Nam. Tuy nhiên do điều kiện đổi mới, hệ thống sông ngòi được chỉnh trang lại nên cây cầu buộc phải đổi sang hướng Đông Tây để phù hợp với sinh hoạt, đi lại của người dân.

Hiện, cây cầu đã được trùng tu nhiều lần. Mới đây nhất là vào năm 2014, trước sự xuống cấp, người dân đã kêu gọi, quyên góp tiền để sửa chữa, tu bổ lại mố cầu, làm mới bậc tam cấp… để cây cầu vững chắc hơn.

Món quà vô giá của ông cha để lại

Quãng đường từ nhà cụ Oa đến cầu lợp làng Kênh không quá xa, chỉ mất khoảng 3 phút đi xe máy là tôi đặt chân tới cây cầu. Qua quan sát, cầu chia làm 5 nhịp, dài khoảng 15m, rộng hơn 5m và cao trên 3m. Cầu được bắc ngang qua con sông quê.

.................
Vào những buổi trưa hè hay những lúc rảnh rỗi, người dân thường chọn cầu lợp làng Kênh là điểm nghỉ ngơi

Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang (bục để ngồi) được uốn cong theo thành cầu. Vào những buổi trưa hè hay những lúc rảnh rỗi, người dân thường chọn cây cầu là điểm nghỉ ngơi; ngồi trên hành lang, tựa lưng vào lan can hướng mắt ra ngoài ngắm cảnh sông nước.

Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ được chặm khắc đơn sơ với những đường chỉ mộc mạc, không mang tính chất cầu kì. Sàn cầu được ghép bằng những tấm gỗ dày, rộng hơn 40cm.

Toàn bộ cây cầu có 28 cột, trong đó có 4 cột chính được cắm sâu dưới lòng sông, mỗi cột có đường kính trên 50cm. Trải qua thời gian dài, các cột chính bị bào mòn; người dân phải thay cột mới để bảo vệ cây cầu.

Còn trên cầu có 24 cột, gồm 12 cột cái, 12 cột quân (thấp và bé hơn cột cái). Các cột bên trong cầu cũng bị bạc màu theo thời gian, điều đó càng chứng tỏ cây cầu đã được xây dựng từ rất lâu đời.

..............
Dòng chư Nho ghi lại niên đại hình thành cầu lợp làng Kênh
Nhìn chung các cột, dầm, xà ngang, xà dọc, hoành, vì kèo được liên kết chặt chẽ với nhau; tạo thành 1 cây cầu gỗ chắc chắn, chịu được các cơn bão có sức gió giật trên cấp 10.

Hiện nay, trên xà ngang cầu vẫn còn lưu giữ dòng chữ Nho ghi lại niên đại hình thành cầu. Năm 2014 sau khi trùng tu xong, người dân cũng đã khắc 1 dòng chữ Nho ghi lại thời gian trùng tu lại cầu để các về đời sau biết được các mốc thời gian quan trọng này.

Trải qua hàng trăm năm mưa nắng, bão bùng, cùng những cuộc tao loạn của chiến tranh, cầu lợp làng Kênh dần xuống cấp và dân làng đã tu sửa lại nhiều lần nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn.

..............
Hệt hống vì, kèo được gia cố, buộc lại bằng sợi dây mây

Theo người dân nơi đây, sau nhiều lần trùng tu, sửa mái, ngày nay mái cầu được chuyển sang lợp bằng lá cọ thay cho lá bổi; toàn bộ các bẹ cọ được tếp chặt với vì kèo và được gia cố buộc lại bằng sợi mây, làm cho mái cầu càng chắc chắn, không lo gió bão làm hỏng.

‘Cầu lợp làng Kênh là món quà vô giá của của ông cha để lại cho cả làng. Hàng năm có rất nhiều đoàn đến tham quan, khảo sát, chụp ảnh tư liệu về cây cầu này. Do đó, chúng tôi luôn tuyên truyền các lớp trẻ phải giữ gìn và bảo tồn cây cầu mãi mãi”, cụ Oa chia sẻ.

Mai Chiến