Hơn 500 năm tồn tại

Cầu ngói chợ Lương có niên đại cùng với chùa Lương (năm Hồng Thuận Tam niên, tức là năm 1511) - là 1 trong 10 cây cầu cổ nhất Quần Anh xưa. Tính đến nay, cây cầu đã trải qua hơn 500 năm tồn tại.

Cầu ngói chợ Lương có tuổi đời hơn 500 năm
Cầu ngói chợ Lương có tuổi đời hơn 500 năm

Trước đây, Quần Anh xưa có “nội thập giáp, ngoại tứ thôn”, được chia làm 10 giáp, từ giáp Nhất đến giáp Cửu chỉ dựng cầu bằng đá, kiến trúc đơn giản. Nhưng đến giáp Thập do ở gần chùa, gần chợ và là chốn đô hội của tổng Quần Anh xưa nên người dân đã họp làng, dựng cầu ngói thể hiện sự khác biệt với 9 cây cầu đá ở 9 giáp kia.

Cầu ngói chợ Lương được xây dựng, thiết kế theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”, tức trên là nhà, dưới là cầu và được bắc ngang qua con sông Trung Giang.

Cầu được dựng trên 18 trụ đá vuông, mỗi cạnh 35cm, xếp thành 6 hàng ngang để gánh 6 vì và đỡ toàn bộ 9 gian nhà cầu. Nằm trên các trụ đá là hệ thống xà ngang, xà dọc bằng gỗ lim to chắc để đỡ các dầm và nâng sàn cầu, nhà cầu.

Cây cầu bắc qua sông
Cây cầu được thiết kế theo kiểu "Thượng gia hạ kiều"

Hai bên mặt tiền cầu ngói được thiết kế, trang trí giống nhau với tông màu vàng nổi bật. Dưới nền là tảng đá xanh đã phai màu và mòn dần theo thời gian.

Điểm đặc sắc của cây cầu phải nói đến hình tượng cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, bên trong có đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, tức cầu xã Quần Phương (nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu).

Nếu quan sát kĩ, du khách dễ dàng nhận thấy bên trên đỉnh hai đầu cầu đều có 4 con nghê đang đứng chầu với dáng vẻ vừa thân thuộc, vừa uy nghiêm nhưng lại mang ý nghĩa sâu xa. Tựa như câu nói “Bốn con nghê đực chầu về tổ tông”.

Đặc biệt, sàn cầu được thiết kế thành hai phần rõ rệt, được ghép bằng 66 thanh gỗ lim trên hàng dầm uốn cong; lòng cầu rộng khoảng 2m. Hai bên sườn cầu là hai dãy hành lang và cũng được uốn cong theo thành cầu. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ và 162 con song dáng lá đề.

Bên trong cầu ngói chợ Lương
Bên trong cầu ngói chợ Lương

Để tạo thành 9 gian nhà cầu, ngày xưa những người thợ phải cần 10 vì xà cột làm theo lối kiến trúc cổ. Hệ thống xà dầm nâng chọn 40 cột cái, cột quân và cấu kiện chủ lực của nhà cầu.

Các vì kèo, 36 xà dọc, xà ngang, xà máng trên, máng dưới, hệ thống hoành rui đều được gia công tỉ mỉ khiến bộ khung vừa cong, vừa uốn lượn, khít xà ăn mộng. Mái cầu được lợp bằng ngói nam, uyển chuyển. Nhìn tổng thể, cầu ngói chợ Lương tựa như con rồng uốn khúc đang vươn mình bay lên phương Bắc.

Di tích lịch sử

Ngày nay, cầu ngói chợ Lương đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa của xã Hải Anh nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

...........
Cầu ngói chợ Lương nằm cạnh cây cầu đá

Để bảo tồn và tránh cho cây cầu ngói bị hư hại thời công nghiệp hóa, người dân nơi đây đã xây dựng 1 cầu đá rộng 5m, cách cầu ngói không bao xa để cho các phương tiện giao thông đi lại. Còn những người đi bộ, vẫn chủ yếu đi qua cây cầu ngói chợ Lương, vừa tránh xa các phương tiện đang tham giao thông, vừa hòa mình vào khung cảnh thơ mộng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định vẫn còn giữ được 3 cây cầu thiết kế theo kiểu kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”, gồm cầu ngói chợ Lương (huyện Hải Hậu), cầu ngói Thượng Nông (huyện Nam Trực) và cầu lợp mái cọ (hay còn gọi là cầu lợp làng Kênh, huyện Trực Ninh).

Những cây cầu này không chỉ phục vụ đi lại mà còn là một công trình kiến trúc đặc sắc nhất của trấn Sơn Nam Hạ xưa, mà câu ca còn nhắc: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài. 

..............
Mái cầu được lợp bằng ngói nam

Mặc dù, đã trải qua hơn 500 năm tuổi, cùng những cuộc tao loạn vùng ven biển, nhưng đến nay vẻ đẹp ấy vẫn còn nguyên vẹn, mộc mạc và đầy quý tộc. Nhờ kiến trúc đặc biệt và cổ kính, cầu ngói chợ Lương đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Vào những dịp nghỉ lễ, tết, nhiều du khách trên cả nước có dịp về Nam Định đều tìm đến xã Hải Anh để tham quan, tạo dáng bên cầu ngói chợ Lương, tự chụp cho mình những bức ảnh đắt giá nhất để lưu lại khoảnh khắc.

Hay vào mùa cưới xin, các cặp đôi trẻ không ngần ngại chọn cầu ngói chợ Lương để chụp 1 “album” ảnh cưới tuyệt đẹp như để quảng bá thêm vẻ cổ kính của cây cầu này.

Chùa Lương
Chùa Lương, di tích lịch sử nằm trên địa bàn xã Hải Anh

Được biết, cầu ngói hơn 500 tuổi này cách chùa Lương, chợ Lương không bao xa nên tạo thành một quần thể di tích lịch sử. Do vậy, người dân địa phương hay gọi cây cầu với tên gọi thân thương: Cầu ngói chợ Lương.

Năm 1990, cầu ngói chợ Lương được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc lịch sử và đã trở thành biểu tượng riêng của xã Hải Anh mỗi khi nhắc tới địa phương này.

Mai Chiến