Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) tỉnh Lê Xuân Thảo đã thông tin đến các đại biểu về kết quả đạt được của du lịch Thanh Hóa trong những năm gần đây và các điều kiện đón khách quốc tế. Trong đó, Chủ tịch HHDL nhấn mạnh, Thanh Hóa là một trong số ít tỉnh trong cả nước có đa dạng vùng sinh thái, gồm: trung du, miền núi, đồng bằng và ven biển. Với hệ thống giao thông thuận lợi, có Cảng Hàng không Thọ Xuân, cửa khẩu quốc tế Na Mèo và cảng biển Nghi Sơn. Từ lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cùng với các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Thanh Hóa đã phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cộng đồng, văn hóa lịch sử - tâm linh, thể thao mạo hiểm, nông trại... Thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào du lịch như FLC, VinGroup, Sun Group, Flamingo, BRG, T&T, ROX, Sao Mai,... Đến nay, cơ sở vật chất du lịch của tỉnh tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đa dạng phân khúc khách hàng.
Chủ tịch HHDL đề nghị, các doanh nghiệp hội viên cần nhanh chóng đổi mới hình thức kinh doanh; chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn với nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất, phát triển các dịch vụ du lịch cao cấp để mở rộng thị trường khách quốc tế theo hướng bốn mùa. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Thảo luận tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp lữ hành bày tỏ sự hài lòng về các dịch vụ, sản phẩm, điểm đến như: Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Lamori Resort & Spa, du lịch “Ngược xuôi sông Mã”, Flamingo Ibiza Hải Tiến... Nhiều điểm đến cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế. Đồng thời cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế, trước hết tỉnh Thanh Hóa cần đề xuất với Chính phủ có kế hoạch nâng cấp sân bay Thọ Xuân thành sân bay quốc tế trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng Cảng biển Nghi Sơn thành cảng đón khách quốc tế đến tham quan nghỉ dưỡng ở Thanh Hóa; tập trung đẩy mạnh e-marketing (quảng bá trên các kênh trực tuyến) hướng cả tới đối tượng khách lẻ thông qua các mạng xã hội và trên các nền tảng dịch vụ trực tuyến; xây dựng thêm các khách sạn hạng sang để đón đoàn khách quốc tế lớn; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế trong khu vực và trên thế giới nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp du lịch nước ngoài...
Tọa đàm cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp liên quan đến chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến; yêu cầu đón khách quốc tế; chất lượng nguồn nhân lực; các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng lượng khách quốc tế như: mua sắm, vui chơi giải trí... Trong đó, hướng tới thu hút dòng MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, đối với nhóm giải pháp liên quan đến quảng bá, xúc tiến, HHDL Việt Nam sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để HHDL tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp tham gia. HHDL Việt Nam sẽ có kế hoạch tổ chức các chương trình famtrip, với sự tham gia của các đơn vị lữ hành trong toàn quốc, trong đó có các doanh nghiệp chuyên đón khách inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) đến khảo sát, kết nối với các khu, điểm du lịch tại Thanh Hóa.
Chủ tịch HHDL Việt Nam đề nghị HHDL tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới nội dung hoạt động; thường xuyên định hướng, hỗ trợ và liên kết các thành viên trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh, xúc tiến... nhằm tạo chuỗi giá trị bền vững trong phát triển du lịch. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch do tỉnh và HHDL Việt Nam tổ chức ở nước ngoài, góp phần nâng tầm, khẳng định vị thế du lịch Thanh Hóa tại các sự kiện.
An Nhiên