Để đi đến trận quyết chiến chiến lược với thực dân Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn nhỏ. Qua mỗi chiến dịch, bộ đội ta ngày càng lớn mạnh, trưởng thành cả về số lượng, quy mô, tổ chức biên chế và nghệ thuật quân sự.

Bộ đội ta hành quân vào chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Bộ đội ta hành quân vào chiếm lĩnh trận địa trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Sau khi hội tụ đầy đủ những yếu tố, chúng ta đã chấp nhận và dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm cho trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại tá, Tiến sĩ Bùi Đình Tiệp, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng đã có những chia sẻ về chiến thuật vây lấn đặc sắc.

Thưa Đại tá, trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, quân và dân ta đã mở những đòn tiến công trên 4 hướng là Lai Châu, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và Bắc Tây Nguyên. Vì sao chúng ta lại mở các các đòn tiến công này, trong khi chúng ta đang dồn sức cho trận quyết chiến, chiến lược với thực dân Pháp tại lòng chảo Điện Biên?

Đại tá Bùi Đình Tiệp: Tiến công trên 4 hướng như vậy với mục đích là căng kéo, phân tán lực lượng, binh lực của địch trên từng hướng, để từng bước chúng ta tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, căng kéo lực lượng của chúng ra. Và chúng ta biết rõ âm mưu của địch là sẽ tập trung hết binh lực lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Đại tá, Tiến sĩ Bùi Đình Tiệp - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)
Đại tá, Tiến sĩ Bùi Đình Tiệp, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử nghệ thuật quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tiến hành các chiến dịch như thế, để trên các hướng đó, buộc Pháp phải điều động lực lượng nhằm đối phó với hướng tiến công của chúng ta, làm cho chúng cũng không thể tập trung hết mọi binh lực vào chiến trường Điện Biên Phủ được.

Và quan trọng hơn nữa là quá trình chúng ta mở các đón tiến công trên các hướng như thế, thì ta đã tiêu hao, tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch và làm cho đối phương cũng bị suy yếu rất nhiều.

Chính vì vậy, chúng ta đã tạo được thế tổng hợp, lực tổng hợp để tạo thành sức mạnh tổng hợp, để đi đến trận quyết chiến chiến lược, trận tiến công quyết định là mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và đi đến thắng lợi.

Mặc dù trước đó bộ đội ta đã có những trận đánh vào Tập đoàn cứ điểm phòng ngự ở Nà Sản nhưng về cơ bản không thành công. Đến Điện Biên Phủ, đây là lần đầu tiên, bộ đội ta đánh vào một hệ thống Tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất, lớn nhất Đông Dương. Chiến thuật vây lấn có được coi là một trong những cách đánh đặc sắc, sáng tạo có ý nghĩa quyết định góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ không, thưa Đại tá?

Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công những cứ điểm của Pháp tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 4/1954. Chiến thắng của quân đội Việt Nam đánh dấu sự sụp đổ của chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương, khiến thế giới kinh ngạc về kỳ tích của một quân đội kém ưu thế hơn về khí tài quân sự trước nước Pháp.
Quân ta tấn công những cứ điểm của Pháp tại sân bay Mường Thanh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 4/1954. Ảnh tư liệu.

Đại tá Bùi Đình Tiệp: Có thể coi là như vậy. Chiến thuật vây lấn thì có lẽ đây là một trong những chiến thuật rất đặc sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vì, như chúng ta đã biết là toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong lòng chảo và được xây dựng hệ thống công sự trận địa hết sức kiên cố, vững chắc. Nếu chúng ta tiến công theo cách đánh là tiến công đồng loạt, đánh nhanh, thắng nhanh vào Trung tâm, thì chắc chắn không thực hiện được mà thương vong sẽ rất lớn.

Chính vì vậy, mà ta sử dụng chiến thuật vây lấn. Bộ đội của ta, lực lượng của ta các hướng, các mũi đã được bố trí để cùng phối hợp với nhau, ta đã khép chặt vòng vây. Sau đó là ta cứ lấn dần bằng chiến thuật giao thông hào. Cho nên ta mới trải qua 56 ngày đêm mưa dầm, cơm vắt; máu trộn, bùn non; gan không núng, chí không mòn là vì như thế. Bộ đội của ta cứ lấn dần, phối hợp chặt chẽ với nhau, cứ lấn dần khép chặt vòng vây và siết chặt vòng vây.

Như chúng ta đã biết thì địch chỉ có một đường tiếp tế duy nhất là đường hàng không thôi. Lúc đó, pháo phòng không của chúng ta đã có thể khống chế đường hàng không này được rồi. Dưới đất, chúng ta lại đánh cắt sân bay. Như vậy,  trong khi vòng vây của ta ngày càng siết chặt, địch thì bị cô lập. Và cuối cùng là chúng không còn lối thoát nào khác.

Ảnh tư liệu.
Chiến thuật đặc sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

70 năm đã trôi qua, nhìn lại toàn bộ quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, theo Đại tá, chúng ta đúc rút ra bài học gì cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Đại tá Bùi Đình Tiệp: Có thể nói rằng, trong thực tiễn lịch sử và đến hiện nay thì Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn có giá trị vô cùng sâu sắc, đặc biệt đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng cốt lõi, phương châm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước chúng ta là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Chính vì vậy, bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện trên nhiều phương diện.

Nhưng theo quan điểm của tôi thì vấn đề căn cốt nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất hiện nay, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó chính là chúng ta luôn luôn làm tốt mọi công tác chuẩn bị, để xây dựng cho đất nước vững mạnh về mọi mặt.

Kế thừa quan điểm, truyền thống kinh nghiệm của dân tộc chúng ta là quốc phú thì binh cường, nội yên thì ngoại sẽ tĩnh. Từ thực tiễn bài học của Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như chúng ta đã biết, chúng ta phải đối đầu với một đế quốc sừng sỏ, hùng mạnh như thế. Đầu tiên thì như Bác Hồ nói, không khác gì chúng ta như “châu chấu đá voi”. Sau đó, rõ ràng là voi đã bị lòi ruột ra. Do đó mà bài học quan trọng nhất vận dụng đến hiện nay, đó chính là chúng ta phải chuẩn bị tốt về mọi mặt, về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…để xây dựng cho đất nước ta vững mạnh về mọi mặt.

Bí mật kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ, năm 1954.
Bí mật kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu.

Chuẩn bị tốt về mọi mặt cũng có nghĩa là chuẩn bị các phương án để sẵn sàng đối phó với các tình huống phải không, thưa Đại tá?

Đại tá Bùi Đình Tiệp: Đúng thế đấy, chuẩn bị tốt nhất mọi phương án xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, và đặc biệt là xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Đây là những yếu tố căn cốt nhất để bảo vệ Tổ quốc và đặc biệt là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa hiện nay, như Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới đã khẳng định như vậy.

Đó là, chúng ta phải làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị, xã hội ổn định và cả dân tộc là một khối đại đoàn kết thống nhất.

Đó chính là việc chúng ta phát huy tốt nhất bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Và nếu chúng ta làm được như vậy thì dù có khó khăn gian khổ như thế nào chăng nữa, dù các thế lực thù địch có trăm phương nghìn kế như thế nào chăng nữa, chúng ta tin chắc một điều rằng, chúng ta sẽ vẫn bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam. Ảnh tư liệu
Những binh sĩ Pháp đầu hàng được áp giải đến nơi tạm giam. Ảnh tư liệu.

Thưa Đại tá, nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh cũng chính là biện pháp đẩy lùi, đẩy xa chiến tranh, không để xảy ra chiến tranh?

Đại tá Bùi Đình Tiệp: Vâng, điều đó luôn luôn đúng. Chúng ta luôn luôn sẵn sàng chủ động về mọi mặt, chuẩn bị xây dựng đất nước vững mạnh và luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nắm chắc mọi diễn biến tình hình của thế giới, khu vực, nắm chắc mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch và chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án để có thể đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra.

Với phương châm là quốc phòng tối ưu là không phải tiến hành chiến tranh. Và càng chuẩn bị tốt, càng chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh tốt nhất, thì chiến tranh càng lùi xa. Đó chính là cách để chúng ta có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới hiện nay.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Theo Chương trình Phát thanh Quân đội Nhân dân