Con tàu Peak Pegasu dự định dỡ 70.000 tấn đậu tương Mỹ tại cảng Đại Liên, Trung Quốc
Cuộc chiến ngày càng căng thẳng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố sẽ bắt đầu áp thuế 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Thuộc sở hữu của công ty JP Morgan Asset Management, con tàu Peak Pegasus ban đầu dự kiến sẽ dỡ lô hàng 70.000 tấn đậu tương tại cảng Đại Liên, Trung Quốc vào ngày 6/7, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế lần đầu tiên lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Ngay trước khi Trung Quốc áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ, con tàu đã vội vã cập bến với hy vọng làm xong thủ tục hải quan. Tuy nhiên, con tàu đã đến quá muộn và vật vờ ngoài khơi biển Hoàng Hải suốt hơn 1 tháng qua. Trong lúc này, chủ lô hàng, được cho là công ty giao dịch hàng nông sản Louis Dreyfus, vẫn đang cân nhắc nên làm gì.
Công ty có trụ sở tại Amsterdam được cho là phải trả khoảng 12.500 USD một ngày để tiếp tục thuê tàu, chi phí thêm cho đến nay là hơn 400.000 USD.
Các chuyên gia hàng hóa cho biết việc giữ đậu tương trên biển như vậy, trong vòng nhiều tháng tiếp theo vẫn hợp lý về tài chính, bởi việc ra quyết định sai có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giá đậu tương của Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu khi các công ty từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, tìm kiếm các nguồn thay thế.
Điều đồng nghĩa với việc, nếu Louis Dreyfus bán đậu tương cho người mua ở châu Âu hoặc ở nơi khác có thể sẽ phải chấp nhận mức giá thấp hơn so với ban đầu.
Nếu dỡ lô hàng này tại Trung Quốc, Louis Dreyfus sẽ phải chịu mức thuế 25%, tương đương khoản thuế phải nộp là 6 triệu USD.
"Họ [chủ sở hữu hàng hóa] rõ ràng đã ghi nhớ mức thuế 25% để đưa hàng hóa vào Trung Quốc và họ sẽ cân nhắc rằng việc chống lại những người mua hàng khác với yêu cầu giảm giá lớn có khả năng tương đương với chi phí thuế", Michael Magdovitz, một nhà phân tích tại Rabobank nói. "Họ cũng phải trả một giá cắt cổ để chuyển tàu từ Trung Quốc đến một điểm đến khác".
Đậu tương là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho việc sản xuất dầu ăn, dầu diesel sinh học và chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn cho lợn mà người dân Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.
Một nguyên nhân khiến số phận lô đậu tương này thêm bấp bênh là liệu Trung Quốc sẽ mất bao nhiêu thời gian để có thể chuyển sang đậu tương Brazil như một nguồn cung thay thế cho đậu tương Mỹ.
Theo ông Magdovitz, ngoài tàu Peak Pegasus, một tàu chở đậu tương Mỹ khác là tàu Star Jennifer cũng đã lênh đênh ngoài khơi Trung Quốc nửa tháng nay. Hai lô đậu tương này có thể đang chờ Trung Quốc đi đến quyết định trợ cấp cho các công ty nhập khẩu đậu tương.
Bắc Kinh đã đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump làm căng thẳng thêm cuộc chiến thương mại vì Mỹ đã công bố mức thuế 25% trên 333 sản phẩm khác nhau của Mỹ từ ngày 23/8.
Trung Quốc cho biết họ sẽ trả thù với mức thuế 25% của riêng mình trên một lượng nhập khẩu tương đương của Mỹ, bao gồm thép, nhiên liệu, ô tô và các sản phẩm y tế.
Hằng Vương (T/h)